• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tổ chức Đoàn giám sát làm việc huyện Giồng Trôm về thực hiện Chương trình Dừa
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Giồng Trôm - Nguồn: Phòng KHTCTH

Tổ chức Đoàn giám sát làm việc huyện Giồng Trôm về thực hiện Chương trình Dừa

(Cập nhật: 18/06/2019)

Ngày 12/6/2019, Ban Điều phối (BĐP) Chương trình dừa tổ chức Đoàn giám sát đến làm việc UBND huyện Giồng Trôm về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020. Ông Lê Văn Khê – GĐ Sở Công Thương làm trưởng đoàn, cùng đại diện các sở ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Hiệp Hội dừa.

Theo báo cáo của UBND huyện Giồng Trôm: Toàn huyện hiện có 17.622 ha trồng dừa, tăng 722 ha so với năm 2014, trong đó diện tích cho trái 16.620 ha, sản lượng đạt 193,3 triệu trái/năm.

                Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa, huyện đã vận động thành lập mới 03 hợp tác xã (HTX), gồm: HTX nông nghiệp Hưng Lễ, HTX nông nghiệp Châu Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa; 09 tổ hợp tác (THT). Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 13 THT hoạt động theo Nghị định số 151 và 03 HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Một số THT, HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH Dừa Lương Quới, Công ty Á Châu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong với diện tích dừa hữu cơ đạt gần 1.500 ha.

Về giống: thực hiện dự án bình tuyển cây dừa mẹ và thiết lập vườn dừa giống tại các vùng trồng dừa trên địa bàn huyện để chọn giống tốt thay thế dần các giống kém chất lượng, năng suất thấp tại địa phương. Năm 2018, giá trị sản xuất của ngành chế biến dừa đạt 600 tỷ đồng. Toàn huyện có khoảng 30 DN, 429 cơ sở sản xuất, chế biến dừa với các sản phẩm chủ yếu như: cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, kẹo dừa, than thiêu kết, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, mặt nạ dừa, cơm dừa tươi…

Ngoài ra, huyện còn có CCN Phong Nẫm đã hoàn thành quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 41,94 ha; có 07 dự án đăng ký đầu tư, diện tích cho thuê 31 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.943 tỷ đồng (trong đó có 05 dự án chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ dừa, 02 dự án đã hoạt động). Về phát triển ngành nghề nông thôn, có 02 làng nghề đan giỏ cọng dừa (Phước Long - Hưng Phong) với 1.435 hộ tham gia sản xuất, giải quyết hơn 2.200 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Sản phẩm chủ yếu là các giỏ đựng quà bằng cọng dừa, lồng đèn dừa và các mặt hàng TCMN từ dừa.

                Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020 được địa phương chủ động, tích cực thực hiện, nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện, việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan.

                Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình dừa trên địa bàn huyện đền từng hội viên, nông dân chưa đi vào chiều sâu; một bộ phận nông dân chưa quan tâm chọn giống, mật độ trồng, chăm sóc vườn dừa nên chưa khai thác hết lợi thế và tiềm năng của cây dừa; việc chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; liên kết giữa nông dân với DN chưa chặt chẽ, một bộ phận nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ theo yêu cầu của DN; công tác kêu gọi đầu tư vào CCN còn khó khăn, phần lớn DN cần mặt bằng sạch, trong khi huyện thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng; việc huy động vốn đầu tư xây dựng CCN còn nhiều hạn chế .

                Theo ông Phạm Tấn Lễ - Phó Chủ tịch UBND huyện, các HTX mới đạt hiệu quả bước đầu chưa như mong muốn. Diện tích liên kết với doanh nghiệp và sản xuất hữu cơ mới chỉ đạt khoảng 8% so với diện tích thực tế. Thời gian qua, có tình trạng khi dừa xuống giá, chuỗi giá trị dừa vận hành không tốt. CCN Phong Nẫm được mở rộng thêm 34 ha nhưng huyện không có kinh phí để xây dựng hạ tầng, gây cản trở trong việc thu hút nhà đầu tư sản xuất ngành dừa. Ông đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, hỗ trợ cho huyện việc tuyển chọn dừa giống. Diện tích lúa 2.700ha trên giấy tờ nhưng thực tế còn khoảng 1.500ha, phần còn lại đã trồng dừa xiêm xanh. Hướng tới, khả năng huyện sẽ tăng lên 20.000ha dừa, đề nghị các sở ngành hỗ trợ huyện tiêu thụ dừa tốt hơn.

                Kết luận buổi làm việc, ông Lê Văn Khê - GĐ Sở Công Thương cho rằng, huyện phát triển ngành dừa đúng hướng và có những kết quả cụ thể. Sản lượng dừa huyện rất cao so với toàn tỉnh. Giồng Trôm cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất và trồng xen, nuôi xen, sản xuất hữu cơ. Hướng tới, huyện cần tăng cường tuyên truyền thêm cho người dân hướng tới liên kết chuỗi; phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong phát triển ngành dừa, trong việc liên kết với các tổ chức kinh tế hợp tác; khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng công tác cải tạo vườn tạp. Trong quá trình sản xuất, huyện cần tuyên truyền cho nhân dân hướng đến thị trường; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, xen canh; chú trọng kêu gọi đầu tư chế biến các sản phẩm từ dừa…/.

Nguồn: Phòng KHTCTH