• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Ngành dừa và kế hoạch cán đích tỷ USD
Công nhân nhà máy Vinacoco đang kiểm tra sản phẩm thạch dừa để đóng gói xuất khẩu.

Ngành dừa và kế hoạch cán đích tỷ USD

(Cập nhật: 05/06/2023)

5 năm trước, ngành dừa không có thứ hạng trên thị trường, nay vươn lên top 4 châu Á về xuất khẩu với đa dạng sản phẩm làm từ trái, lá và thân.


Lần đầu tiên đến Bến Tre, chị Thanh (Hà Nội) ấn tượng với cây dừa vì nó không chỉ có nước ngọt, mứt ngon mà còn tạo ra hàng loạt sản phẩm thương mại khác. "Tôi không ngờ thân, lá, cành, vỏ, xơ dừa được tận dụng tối đa để sản xuất ra nhiều món quà độc đáo như vậy", chị nói.

Chị cho biết trước đây chỉ được thưởng thức kẹo dừa truyền thống, nay trên thị trường có hàng chục loại kẹo với các hương vị khác nhau được làm từ dừa. Bánh dừa, kem và thạch cũng có nhiều thay đổi về kích thước và mẫu mã bắt mắt.

Tương tự, chị Hạnh ở quận 5 cũng tỏ ra hứng thú với nước dừa đóng hộp. "Trước đây muốn uống nước dừa tươi, tôi phải mua từng buồng và chỉ để được trong tuần, nay có sản phẩm đóng hộp sẽ dễ dàng trữ với số lượng nhiều", chị nói.

Các sản phẩm đa dạng từ dừa không chỉ hút khách trong nước mà ngày càng thể hiện được ưu thế trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết đang đẩy mạnh xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, Ausrtralia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bốn tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu của công ty ông tăng 20%. Riêng với dừa tươi đã gọt trọc vỏ, mỗi tháng doanh nghiệp này xuất khoảng 15 container đi 4 thị trường trên.

"Nếu Mỹ xem xét cho xuất khẩu dừa gọt trái hình kim cương trong quý II, xuất khẩu trái cây này sẽ tăng mạnh năm nay", ông Tùng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C – đơn vị sở hữu nhà máy chế biến thạch dừa lớn nhất Việt Nam - cho hay công ty này lên kế hoạch đưa thạch dừa và các sản phẩm làm từ dừa đi khắp thế giới.

Trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, công ty ông sẽ làm thạch dừa với đủ kích cỡ để tiếp cận người tiêu dùng ở mọi kênh từ cửa hàng tiện lợi, tạp hóa cho tới siêu thị. Ngoài ra, công ty có kế hoạch phát triển các dòng sản phẩm Jelly trái cây.

"Sắp tới, G.C Food mở rộng đầu tư nâng công suất nhà máy sản xuất thạch dừa lên 20.000-30.000 tấn một năm. Giá thành sản phẩm sẽ phù hợp cho mọi đối tượng và hàng xuất sang thị trường Trung Quốc cạnh tranh mạnh hơn", ông Thứ nói.

Năm ngoái, sản lượng thạch dừa của công ty này đạt trên 6.500 tấn, tăng hơn 40% so với 2021. Riêng 4 tháng đầu năm nay, sản lượng đạt gần 2.800 tấn và tăng hơn 26% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài hai doanh nghiệp trên, tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), nước dừa đóng chai cũng đang được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Doanh nghiệp đang sản xuất hàng loạt các sản phẩm từ dừa như cơm dừa sấy, dầu, sữa để xuất khẩu...

Theo Hiệp hội Dừa, Việt Nam đang là nước xuất khẩu dừa lớn thứ 4 châu Á - Thái Bình Dương. Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid, năm ngoái, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Trung Quốc đang mở cửa thị trường và tăng mua sản phẩm này từ quý II nên hiệp hội này kỳ vọng năm nay ngành dừa có thể cán đích tỷ USD.

Chia sẻ với VnExpress, ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết đất nước đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này. Trung Quốc hiện mong muốn kết nối và thúc đẩy nhập khẩu dừa Việt theo đường chính ngạch. Hầu hết sản phẩm từ dừa đều được nước này ưa chuộng như dừa khô, chỉ xơ, kẹo, lưới xơ, thạch, cơm nạo sấy, nước cốt dừa.

"Tháng 4, Tổng lãnh sự Trung Quốc và UBND tỉnh Bến Tre đã có buổi kết nối giao thương để tạo thuận lợi cho ngành dừa tỉnh này. Trung Quốc mong muốn hàng Việt đáp ứng yêu cầu của họ để sớm được xuất khẩu chính ngạch", ông Khoa nói.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cơ quan chức năng Mỹ đã hoàn thành việc đánh giá nguy cơ dịch hại đối với trái dừa tươi gọt hình kim cương (loại còn giữ lớp vỏ xốp bên ngoài) của Việt Nam xuất sang nước này. Mỹ đang lấy ý kiến dự thảo báo cáo đánh giá nguy cơ dịch hại. Sau khi hoàn tất các báo cáo, nước này sẽ xem xét cho nhập khẩu lại dừa từ Việt Nam nửa cuối năm.

Ngoài ra, theo ông Khoa, Chính phủ đang xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa cây này vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá cao, đồng thời, tạo sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. Hội sẽ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm từ dừa đi Trung Quốc, thâm nhập thêm thị trường Nhật Bản và EU. Với mục tiêu phát triển bền vững, ngành dừa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu.


Công nhân đang đóng gói dừa tươi gọt trọc vỏ để xuất khẩu đi Mỹ.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, diện tích dừa cả nước hiện khoảng 188.000 ha, sản lượng 1,9 triệu tấn. Tuy nhiên, Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng con số thống kê trên chưa thực sự đầy đủ vì sản phẩm ngành dừa đa dạng. Có những loại được sử dụng nguyên liệu từ dừa ít được thống kê, như các loại tranh từ gáo dừa (có tác phẩm giá hàng tỷ đồng) nhưng cũng không được công bố.

Theo ông Khoa, ngành này sẽ có nhiều bứt phá khi dư địa xuất khẩu của các loại thực phẩm làm từ dừa lớn. Trong đó, thế giới đang ưa chuộng các loại mỹ phẩm, làm đẹp từ dừa.

Hiệp hội Dừa thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10% một năm. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao, như kem, nước, dầu và thạch dừa tăng 15-36%. Đặc biệt, các sản phẩm sạch có nguồn gốc thực vật dù phải trả giá cao, người tiêu dùng vẫn chịu chi.

Nguồn: Vnexpress.net