• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Cây dừa được đề nghị công nhận cây công nghiệp quốc gia
ận chuyển dừa đi xuất khẩu ở xã An Phước, huyện Châu Thành. (Nguồn: Baodongkhoi.vn)

Cây dừa được đề nghị công nhận cây công nghiệp quốc gia

(Cập nhật: 21/10/2022)

Ngày 10-8-2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 5060/VPCP-QHĐP. Nội dung kiến nghị như sau: Cử tri cho rằng, hiện nay giá cả vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tăng cao, giá viện phí, học phí, nhất là học phí bậc đại học cao so với thu nhập, mức sống của người dân, trong khi đó giá cả các mặt hàng nông sản sụt giảm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là giá dừa xuống thấp. Cử tri kiến nghị có giải pháp bình ổn giá thị trường, kiềm chế lạm phát, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ giá cho nông dân sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre như cây dừa, cây lúa, bò, heo. Cử tri cũng đề nghị cần xem cây dừa là cây công nghiệp, vì đây là thu nhập chính của người dân tỉnh nhà. Chính phủ nên có chính sách để đầu tư, phát triển cây dừa như cây công nghiệp quốc gia.


Ngày 4-9-2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có Công văn số 695 trả lời cho cử tri Bến Tre như sau:

Về chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre như cây dừa, cây lúa, bò, heo, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân cả nước, như: chính sách hỗ trợ giống, vật tư, phân bón. Chính sách hỗ trợ trồng lúa: Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/NĐ-CP ngày 11-7-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/NĐ-CP ngảy 13-4-2015; Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 5-7-2018...

Đối với việc trợ giá cho các đối tượng khác như dừa, bò, heo..., Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khi điều kiện cho phép.

Riêng đối với kiến nghị của cử tri Bến Tre về chính sách đầu tư phát triển cây dừa như cây công nghiệp quốc gia, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Dừa là cây công nghiệp có diện tích tăng trong nhiều năm trở lại đây và trở thành cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, diện tích dừa cả nước khoảng 188 ngàn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn; trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích lớn nhất, khoảng 77 ngàn ha (chiếm trên 40% diện tích dừa cả nước), sản lượng 670 ngàn tấn (chiếm 35%). Hiện có khoảng 2/3 số hộ dân Bến Tre trồng dừa; trên 200 sản phẩm được làm từ cây dừa, đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Vì vậy, nông dân Bến Tre quan tâm phát triển cây dừa là phù hợp.

Ngày 20-6-2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2207/QĐ-BNN-TT phê duyệt nhiệm vụ xây dựng đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Đối tượng của đề án gồm cà phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa. Đề án dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2023, với mục tiêu xác định được định hướng và giải pháp phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khi đề án được phê duyệt sẽ làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển cây dừa trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và đời sống của người dân trồng dừa trên cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực tổ chức triển khai nhiều chương trình cụ thể để khôi phục và phát triển vườn dừa, đặc biệt là chương trình gắn kết với các doanh nghiệp, nông dân để hình thành vườn dừa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cây dừa. Trong đó, tỉnh chú trọng hình thành vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa. Toàn tỉnh hiện có 32 tổ hợp tác (THT), 28 hợp tác xã (HTX), giảm 15 THT, tăng 1 HTX so với năm 2021 trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 6.404,18ha và 6.905 thành viên. Đã phối hợp xây dựng vùng sản xuất dừa với tổng diện tích 19.411ha, chiếm 25% diện tích dừa toàn tỉnh. Đến nay, tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 17.187,37ha, chiếm 22,2% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 9.736,83ha. Đồng thời, xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó có 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 1.826ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với diện tích 20ha.

Sở cũng đã phối hợp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 20.000 - 22.000ha dừa, tập trung trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Phát triển thêm ít nhất 13 HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm dừa, nâng tổng số HTX chuỗi dừa đến năm 2025 là 37 HTX. Tỷ lệ HTX từ loại khá, tốt đạt trên 80%. Trong đó, có 1 HTX trong chuỗi đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 15 HTX đạt doanh thu là 10 tỷ đồng. Hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp đầu ra, các doanh nghiệp đầu vào và các THT, HTX. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của chuỗi giá trị dừa.

Nguồn: Baodongkhoi.vn