• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
BẾN TRE THAM GIA LIÊN KẾT VÙNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn tại diễn đàn Mekong Connect 2024 (Ảnh: Hùng Nhạn)

BẾN TRE THAM GIA LIÊN KẾT VÙNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

(Cập nhật: 19/12/2024)
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc, cửa ngõ phía Tây Nam quốc gia; là trung tâm sản xuất lương thực của Quốc gia, “vựa lúa lớn nhất” của Việt Nam, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa cả nước và đóng góp hơn 90% gạo xuất khẩu; cung cấp hơn 70% sản lượng thủy sản và đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước (đặc biệt là cá và tôm); vùng này còn chiếm khoảng 60% sản lượng trái cây của cả nước, được xuất khẩu sang các thị trường lớn của Quốc tế như: EU, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, góp phần tăng giá trị nông nghiệp Việt Nam cùng với tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ logistics và du lịch (Nguồn Kỷ yếu Mekong Conect 2024).
      Tuy nhiên, khu vực này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún, suy thoái nguồn nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng yếu kém và đặc biệt là sự thiếu hụt các nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững. Điều này, đòi hỏi phải có chiến lược phát triển dài hạn và bền vững, tập trung vào quản lý tài nguyên nước, cải tiến công nghệ trong sản xuất và chế biến nông nghiệp, thủy sản, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.

      Do đó, để đánh thức tiềm năng, thế mạnh, hướng đến phát triển bền vững, tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng; ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

      Theo đó, (1) mục tiêu đến năm 2030 Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của quốc gia, khu vực và thế giới; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa. (2) Mục tiêu đến năm 2045, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý, thích ứng biến đổi khí hậu.

      “Diễn đàn Mekong Connect” là sáng kiến liên kết vùng mang tính chiến lược, ra đời từ năm 2015, do mạng lưới ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) phối hợp thực hiện, với sự tham gia của TP.HCM. Tính đến nay, Mekong Connect đã tổ chức được 8 kỳ thành công và năm 2024 là thứ 9 - sự kiện trở lại với sự đồng tổ chức của UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM, cùng sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên diễn đàn diễn ra tại An Giang - một địa phương trọng điểm về kinh tế - nông nghiệp của khu vực. Mekong Connect 2024 không dừng lại ở việc thảo luận các chủ đề quan trọng cho kinh tế địa phương mà còn là cầu nối thực tiễn để hiện thực hóa các sáng kiến, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

      Mekong Connect 2024 tập trung vào ba lĩnh vực then chốt để đẩy mạnh hợp tác: kinh tế, thương mại và công nghệ. Đây là nền tảng để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, phát huy nội lực địa phương, kết nối với TP.HCM và cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững. 

      Bến Tre, với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng phát triển lớn, luôn đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hợp tác Mekong Connect. Được biết đến như "xứ sở Dừa Việt Nam," Bến Tre sở hữu hơn 78.000 ha diện tích trồng dừa, cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho ngành công nghiệp chế biến. Với kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình hơn 400 triệu USD mỗi năm (chiếm 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh), Bến Tre đã đưa hơn 40 sản phẩm từ dừa ra thị trường thế giới, bao gồm dầu dừa tinh luyện, mỹ phẩm từ dừa, sữa dừa, bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, chỉ xơ dừa, và thạch dừa.

      Bên cạnh ngành dừa, Bến Tre còn là vùng đất nổi tiếng với các loại cây ăn trái, hàng năm cung ứng một lượng lớn trái cây chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, với 65 km đường bờ biển và hơn 47.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tỉnh sản xuất hơn 500.000 tấn thủy sản mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

 
           
Mặc dù là tỉnh nông nghiệp với quy mô kinh tế còn khiêm tốn và tốc độ phát triển chưa cao so với một số địa phương khác trong khu vực, Bến Tre vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác và dư địa để phát triển trong tương lai.

      Hiện tại, tỉnh đang tập trung triển khai các Nghị quyết quan trọng, trong đó nổi bật là kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nông sản nguyên liệu tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Cùng với đó, Bến Tre cũng tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để phù hợp với định hướng thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự kiến đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt 4.000 ha với sản lượng 114.000 tấn/năm, đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm Bến Tre tại Diễn đàn Mekong Connect 2024
     
      Ngoài ra, các chính sác trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương như khuyến công và xúc tiến thương mại đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực. Cụ thể, năm 2024 hoạt động khuyến công triển khai thực hiện 21 đề án (19 ĐA hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, 01 ĐA Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong phát triển sản xuất kinh doanh (01 đơn vị được hỗ trợ); 01 ĐA Hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (06 đơn vị được hỗ trợ)). Với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,49 tỷ đồng, thu hút vốn đối ứng từ doanh nghiệp là 7,27 tỷ đồng, tạo ra 62,35 tỷ đồng giá trị sản xuất và giải quyết việc làm cho hơn 630 lao động. Năm 2024, tỉnh Bến Tre đã chủ động tổ chức và tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, nhằm quảng bá sản phẩm và thu hút đầu tư. Các hội thảo, diễn đàn kinh tế đã được tổ chức để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.

Nhờ vào sự tham gia tích cực và các sáng kiến đột phá, Bến Tre thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự liên kết vùng và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.

      Sự tham gia tích cực của Bến Tre vào Mekong Connect thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp địa phương đã mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường quốc tế và nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các dự án hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực đã giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

      Trong tương lai, Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Mekong Connect, tập trung vào phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với những kinh nghiệm và thành tựu đạt được, Bến Tre tự tin sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng và nền kinh tế.

      Mekong Connect đã và đang là nền tảng quan trọng giúp Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Với sự cam kết và nỗ lực không ngừng, Bến Tre sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của toàn vùng.
(Tác giả: Hùng Nhạn-TT.KC&XTTM)