• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bộ Công Thương Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Hình: Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bến Tre (P.KHTHTH)

Bộ Công Thương Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

(Cập nhật: 24/12/2024)
Chiều ngày 23/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Bộ Công Thương và kết nối trực tuyến với mạng lưới các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước. Ông Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu Bến Tre, có sự tham dự của lãnh đạo Sở Công Thương, Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và Công ty Điện lực Bến Tre.
      Năm 2024, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, nổi bật là: tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với Luật Điện lực sửa đổi và nhiều chính sách mới, tái khởi động các dự án điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào... Đặc biệt là kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục và các dự án năng lượng trọng điểm ngành năng lượng.

      Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. Phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới. Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới. Đặc biệt, Bộ Công thương đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Hình: Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Nguồn: P.KHTCTH)
     
      Dù đạt nhiều kết quả tích cực, Bộ Công thương nhận định, ngành vẫn đối mặt với khó khăn như: doanh nghiệp thiếu vốn, xuất khẩu phụ thuộc lớn vào FDI, chuyển đổi năng lượng chậm, và hạ tầng thương mại nội địa chưa đồng đều.


      Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2025 ở mức cao 8%, ngành Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9 - 10%; Xuất khẩu hàng hóa tăng 12%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 12,2%.

      Tại Bến Tre, năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của tỉnh; tuy nhiên tập thể lãnh đạo Sở Công Thương đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và hoàn thành các chi tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, góp phần quan trọng, tạo động lực chính cho tăng trưởng GRDP và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất CN-TTCN (Giá so sánh 2010) năm 2024 ước thực hiện đạt 42.300 tỷ đồng tăng 7,93% so cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.750 triệu USD, tăng 20,27% so cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 70.855 tỷ đồng, tăng 11,68% so cùng kỳ.

      Phát huy kết quả đạt được năm 2025, tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức Sở Công Thương tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công thương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2025, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

      Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2024.

      Về nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với những giải pháp mà ngành Công thương đã đề ra, đồng thời đề nghị toàn ngành Công thương tiếp tục nổ lực hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường khai thác các thị trường mới tiềm năng cùng với đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước; quan tâm sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Công Thương sau khi thực hiện sáp nhập.

      Với quyết tâm cao, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng tin tưởng ngành Công Thương sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
(Tác giả: Can-P.KHTC)