• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hiện trạng, tiềm năng, thách thức và phương hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistics của tỉnh Bến Tre
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ chỉ xơ dừa (Nguồn: QLCN)

Hiện trạng, tiềm năng, thách thức và phương hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistics của tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 23/12/2024)
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay.
Qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhiều nghị quyết được ban hành thể hiện quan điểm cụ thể những chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
     Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển hiện nay, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành vào ngày 17/11/2022 được xem là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng.

      Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 40-CTr/TU ngày 05/4/2023 về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa thực hiện, xác định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Bến Tre chiếm khoảng 18,30% tổng GRDP của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thu hút vốn đầu tư, hình thành những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp chiếm 62,74% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để có thể thực hiện liên kết sản xuất, từng bước hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, gia công cho các tập đoàn lớn bên ngoài. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được khai thác một cách có hiệu quả gắn với phát triển và mở rộng thị trường. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được áp dụng rộng rãi vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh từ 30% giai đoạn 2016-2020 lên khoảng 40% giai đoạn 2021-2025.
      Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt 20.494,4 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 ước đạt 28.956 tỷ đồng, tăng 41,29%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 83.068 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 ước đạt 107.822 tỷ đồng, tăng 29,8%. Đặc biệt, qua các năm đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bến Tre luôn nằm trong nhóm các địa phương quản lý điều hành khá - tốt, năm 2023 xếp hạng 7/63 tỉnh/thành và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt của cả nước. Các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính được tỉnh chú trọng thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp đến tìm hiểu và an tâm đầu tư lâu dài tại tỉnh.

      Tỉnh Bến Tre, mặc dù dịch vụ logistics chưa phát triển mạnh, song tỉnh luôn thể hiện sự quyết tâm và chú trọng thực hiện, cụ thể đã ban hành: Đề án số 05-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 8113/KH-UBND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tích hợp việc phát triển cảng biển Bến Tre vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đưa vào danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics. Hiện tỉnh có 01 cảng biển là Bến cảng Tân cảng Giao Long với diện tích 3,6ha; 01 cảng thủy nội địa là Cảng C.P số 1 khu công nghiệp An Hiệp nằm trong Khu công nghiệp An Hiệp và có khoảng 300 bến hàng hóa phục vụ xếp dỡ hàng hóa. Song song với chất lượng hạ tầng được cải thiện, chất lượng vận tải đường bộ được nâng cao, giảm đáng kể thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt, hiện nay tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cũng như đang tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục để triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển (nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh), những công trình này được kỳ vọng đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng.

      Tiềm năng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistics của tỉnh Bến Tre
      Toàn cầu hoá, khu vực hóa, hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Bến Tre nói riêng tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, gia tăng thu hút FDI, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với việc tiến nhanh, bắt kịp nhờ tận dụng động lực phát triển từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và sản xuất sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh, hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.

       Tỉnh Bến Tre đang trong quá trình hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng theo hướng đồng bộ và hiện đại, kết nối cao với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ tạo điều kiện cho Bến Tre mở ra không gian phát triển mới, cộng với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

        Với lợi thế có 04 con sông lớn hướng ra biển Đông và hệ thống sông, kênh, rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết Bến Tre với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, là tiềm năng, thế mạnh để phát triển giao thông thủy và logistic.

        Biến đổi khí hậu cũng là cơ hội khi tạo ra áp lực buộc tỉnh Bến Tre phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Phát huy tinh thần “Đồng Khởi”, người dân Bến Tre luôn mong muốn đổi mới và khát vọng vươn lên làm giàu, đây là động lực thúc đẩy tỉnh trở thành vùng đất thịnh vượng và an lành trong tương lai.

        Thách thức công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistics của tỉnh Bến Tre
      Mô hình phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa chưa được định hình rõ nét đã gây không ít trở ngại đối với cả nước và tỉnh Bến Tre trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa có sự đột phá; chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao, chủ yếu theo chiều rộng; quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất lao động và GRDP bình quân đầu người thấp, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thấp, dẫn đến năng lực đầu tư từ nội lực bị hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ vẫn là điểm nghẽn, là nút thắt đang cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistic của tỉnh.

      Vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tạo ra những thách thức lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng, gây ảnh hưởng lớn đối với các vùng sản xuất nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, làm gián đoạn quá trình sản xuất. Thách thức từ hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ đặt Bến Tre trước sức ép cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế, trong nước và các tỉnh trong Vùng về thu hút nguồn vốn đầu tư và nhân lực. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến triển khai các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

      Phương hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistics của tỉnh Bến Tre
      Để đạt được mục tiêu: Bến Tre cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh phát triển có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao; trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre tập trung vào những định hướng phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa và logistics cụ thể như sau:

      Ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao. Phấn đấu để tỉnh Bến Tre trở thành một trong những trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

      Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế tỉnh Bến Tre nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng cường năng lực cạnh tranh của tỉnh. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn lực từ khu vực tư nhân và toàn xã hội. Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước.… bảo vệ môi trường.

      Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi kết hợp với cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết phát triển, nhất là chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài gắn với chiến lược khuyến khích đầu tư trong nước để phát huy ưu thế về vốn, công nghệ, năng lực quản trị.

      Phát triển về hướng Đông là tầm nhìn xuyên suốt của tỉnh với mục tiêu lấn biển tạo quỹ đất, mở rộng không gian phát triển mới, đồng thời, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối vùng động lực kinh tế phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh.

      Tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, giúp tiếp cận, tiếp thu kỹ thuật, công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu.

      Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thủy, bộ; tăng cường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tiểu vùng duyên hải phía Đông; phối hợp với các bộ, ngành ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư các công trình giao thông trọng điểm; nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch; kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu, các cảng trung chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động logistics.

      Kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải như: hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung phù hợp với từng khu vực để giảm chi phí vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và phục vụ du lịch. Kêu gọi đầu tư các cảng bốc xếp và tập trung hàng hóa theo tiến độ triển khai đầu tư các khu, cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện, thành phố.

      Chú trọng phát triển các dịch vụ logistics chất lượng cao có khả năng kết nối với các trung tâm logistics trong nước; thúc đẩy phát triển các nhà cung ứng dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng (3PL). Khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics. Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL; phát triển logistic điện tử cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả, thân thiện. Đồng thời, phát triển hạ tầng logistics cứng gồm trung tâm dịch vụ hỗ trợ các ngành theo quy hoạch công nghiệp - thương mại -dịch vụ, đồng bộ với quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin và truyền thông, đáp ứng yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng dịch vụ logistics theo từng thời kỳ.

      Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới chuyển đổi số giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics, đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh./.
(Tác giả: Thu Hà-P.QLCN)