• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre”

Đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre”

(Cập nhật: 19/02/2020)

Ngày 12/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 2782/QĐ-UBND về việc ghi nhận kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre”.

Mục tiêu chung của Đề tài: Xác định ngành công nghiệp chủ lực là những ngành có tính cạnh tranh, có lợi thế phát triển, việc đánh giá chính xác thực trạng và tiềm năng của các ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre để đề xuất các giải pháp phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể: Đánh giá thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, điểm mạnh và điểm yếu theo mô hình SWOT để thấy được thực trạng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó so sánh với các tỉnh lân cận; Xây dựng bộ tiêu chí để xác định các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, từ đó đưa ra được danh mục của ngành công nghiệp này; Phân tích sự dịch chuyển công nghệ cũng như thị trường cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre; Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre ổn định và phát triển sản xuất; Đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng chế biến và huy động nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chủ lực; Đề xuất xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp chủ lực.

Đề tài đã đánh giá khái quát tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 – 2020: Sản xuất công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và đóng góp cho ngân sách. Bên cạnh đó, cũng đánh giá được những thuận lợi, khó khăn và dự báo những cơ hội, thách thức để phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Quan trọng hơn chính là đã xây dựng được bộ tiêu chí với 10 tiêu chí cụ thể: Tỷ trọng của ngành công nghiệp chủ lực so với toàn ngành công nghiệp; Trình độ nhân lực công nghệ; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chủ lực so với kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; Chỉ tiêu đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm; Chỉ tiêu về bản quyền đối với sản phẩm của ngành công nghiệp (Sở hữu công nghiệp và thương hiệu); Đảm bảo phát triển bền vững không gây ô nhiễm môi trường; Chỉ tiêu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chủ lực thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng giá trị nộp ngân sách của ngành đó; Hệ thống thông tin quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp; Công tác nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp ngành công nghiệp; Khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển và sản phẩm của ngành công nghiệp được vinh danh, để xác định được các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 02 ngành công nghiệp: công nghiệp sản xuất chế biến dừa và chế biến thủy sản chính là những ngành công nghiệp chủ lực, đúng với định hướng phát triển mà tỉnh ta đã xác định từ trước đến nay.

 Đề tài nghiên cứu cũng đề xuất được các mục tiêu, định hướng để tập trung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp này trong thời gian tới, phù hợp với xu thế hội nhập, xu thế thị trường trong nước và thế giới: Đến năm 2025, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng 43,10% so với giá trị sản xuất chung toàn tỉnh; Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt 11,82%/năm. Trong đó: ngành sản xuất chế biến thủy sản tăng bình quân 11,65%, ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân 12,20%; Kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng 34,54% so với tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,91%/năm. Trong đó: ngành sản xuất chế biến thủy sản tăng bình quân 14,87%, ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân 13,46%.

 Đồng thời, để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực này, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách: Giải pháp hỗ trợ cho ngành công nghiệp chủ lực phát triển (Rà soát, điều chỉnh, ban hành, triển khai cơ chế, chính sách; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở); Giải pháp phát triển ngành công nghiệp chủ lực: Giải pháp chung (Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và tăng cường liên kết phát triển vùng; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; Phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về thị trường; Cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất; Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp; Tuyên truyền, tôn vinh và khuyến khích các doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực); Giải pháp riêng (Ngành công nghiệp chế biến thủy sản và ngành công nghiệp chế biến dừa).

Việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực sẽ có vai trò rất quan trọng, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm, thu ngân sách, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để làm được điều này, cũng đòi hỏi các cấp, các ngành phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cùng chung tay và có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả đề tài này ở địa phương, ngành mình. Và đây cũng là tài liệu quan trọng để cung cấp thêm thông tin khách quan, khoa học nhằm giúp Tiểu Ban Văn kiện tham khảo xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) được khả thi, sát hợp thực tế.
   Nguồn: QLCN-SCT