• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội nghị tổng kết ngành Ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị tổng kết ngành Ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025

(Cập nhật: 07/01/2025)
Sáng ngày 6/1/2025, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các ông: Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị diễn ra trực tiếp tại trụ sở Bộ Ngoại giao và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng một số cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tham dự.
        Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, có nhiều diễn biến mới, nhiều vấn đề mới vượt dự báo. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại và ngoại giao được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả và đạt được nhiều bước phát triển mới cả về song phương, đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong năm, nước ta đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với nhiều nước, qua đó tạo dựng khuôn khổ 32 quan hệ với các đối tác hàng đầu và mở rộng quan hệ ngoại giao lên 194 quốc gia. Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào các thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển KT – XH; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta lập kỷ lục mới, cán mốc 800 tỷ USD; đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Tích cực bảo vệ an ninh, an toàn, quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của công dân doanh nghiệp Việt Nam nhất là tại các vùng chiến sự; Lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị tại 6 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO và vận động thành công UNESCO ghi danh thêm danh hiệu di sản, nâng tổng số di sản UNESCO của nước ta lên 71 di sản. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo triển khai đồng bộ, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng của kiều bào đóng góp cho đất nước; hiện nay có trên 6 triệu người Việt Nam tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông tin đối ngoại quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, văn hoá, thành tựu phát triển KT-XH của đất nước, góp phần tạo sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế. Tiếp tục duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, ổn định và hợp tác; đạt được tiến triển trong đàm phán với các nước, nộp hồ sơ đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông, thúc đẩy xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982…

       Năm 2024, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong tất cả các lĩnh vực đối ngoại. Đặc biệt đáng chú ý là công tác ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., đóng góp quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

      Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thông tin dự báo tình hình thế giới và khu vực trong năm 2025; đề xuất cơ chế, chính sách, chiến lược đối ngoại, ngoại giao của đất nước trong tình hình mới.

      Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành Ngoại giao trong năm 2024, đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển; tiếp tục củng cố, nâng cao các mối quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới; không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao,… Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chúng ta vừa phải "tăng tốc, bứt phá", hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII; vừa chạy vừa xếp hàng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước như: kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,... Để góp phần thực hiện các mục tiêu năm 2025 của cả nước, Thủ tướng đề nghị: Mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể; Giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống; Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới…; sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp, …

       Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành ngoại giao sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, triển khai mạnh mẽ, toàn diện các nhiệm vụ được giao, tiếp tục đạt những kết quả đột phá, thiết thực hơn nữa, tiếp tục là điểm sáng của nhiều năm tiếp theo, đóng góp thiết thực, hiệu quả, tạo nền tảng đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.

       Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát động năm kỷ niệm 80 năm ngành ngoại giao./.
(Tác giả: Nhứt-TT.KC&XTTM)