• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG NHANH  VÀ LÀ ĐIỂM SÁNG CỦA NỀN KINH TẾ BẾN TRE NĂM 2024
Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn: Thụy-P.KHTCTH)

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG NHANH VÀ LÀ ĐIỂM SÁNG CỦA NỀN KINH TẾ BẾN TRE NĂM 2024

(Cập nhật: 06/01/2025)
      Theo đánh giá của Ông Võ Thanh Sang - Cục trưởng Cục Thống kê Bến Tre tại buổi họp thông cáo báo chí tổ chức vào sáng ngày 06/01/2025 tại Hội trường Cục Thống kê, Phường An Hội, Thành phố Bến Tre thì tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh và là điểm sáng của nền kinh tế.
      Trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục trong xu hướng phục hồi tích cực và đạt một số kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như: tăng trưởng của khu vực công nghiệp đạt khá; kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều tăng so cùng kỳ.
      Tình hình kinh tế của tỉnh đã có nhiều chuyển tích cực, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ từ các ngành sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. GRDP cả năm 2024 ước tăng 5,68% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,60% của năm 2023, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà hồi phục khá tốt. Trong mức tăng giá trị tăng thêm của toàn ngành kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 10,59%, đóng góp 2,24 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt mức tăng 6,29%, đóng góp 2,29 điểm phần trăm; Cơ cấu nền kinh tế năm 2024 đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa, cụ thể: Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 33,79%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 20,76%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,93%;

       
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã có bước phục hồi tốt. Tình hình sản xuất của các đơn vị dần ổn định và có chiều hướng tăng so với cùng kỳ, sức tiêu thụ trên thị trường dần phục hồi. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 11,72% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,96 điểm phần trăm, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,77%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,96%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước tăng 7,66%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,05%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.

      Hoạt động thương mại, dịch vụ khá sôi động, giá cả hàng hóa ổn định, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung; các chương trình, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai kịp thời. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tăng 6,29%, cao hơn mức tăng 5,13% của năm 2023, trong đó: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,32%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm.


                Quy mô và mức tăng trưởng của tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh  năm 2024 và qua các năm. (Nguồn: Thụy-P.KHTCTH)

     Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá so cùng kỳ, thị trường tiêu thụ dần phục hồi và mở rộng. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tăng trưởng khá so cùng kỳ. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất vẫn chưa ổn định, còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ thấp, thiếu đơn hàng,... Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp cả năm 2024 tăng 11,80% so với năm 2023, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,96%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,70%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7,44%; khai khoáng tăng 6,13%. Trong năm, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng khá so với năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 45,55%; sản xuất trang phục tăng 32,68%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,28%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 5,51%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 5,30%; sản xuất thiết bị điện tăng 4,23% so cùng kỳ.

       Trong năm, tình hình kinh doanh thương mại, dịch vụ Bến Tre chịu ảnh hưởng tác động của thị trường trong nước và thế giới. Mức tiêu dùng hàng hoá của dân cư trong các tháng cuối năm được cải thiện. Thị trường cung hàng hóa luôn dồi dào và ổn định, các mặt hàng nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm phù hợp. Ước tính cả năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 68.768 tỷ đồng, tăng 11,58% so cùng kỳ, trong đó: doanh thu ngành bán lẻ chiếm khoảng 80,96%, tăng 11,26% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu có khởi sắc vào những tháng cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750 triệu USD, tăng 20,27% so cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu tăng khá so cùng kỳ.

       Tóm lại: Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: GRDP tăng 5,68% với xu hướng cải thiện đà tăng trưởng qua từng quý. Tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh và là điểm sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua kinh tế của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Biến đổi khí hậu, nắng nóng, dịch bệnh,… làm giảm năng suất, chất lượng nông nghiệp, thủy sản; giá thành sản phẩm có thời điểm xuống thấp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng nên lợi nhuận không cao, ảnh hưởng đến việc tái sản xuất của người dân; sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, giày da, và phụ tùng xe có động cơ,… vẫn còn khó khăn do thị trường tiêu thụ chậm, thiếu đơn hàng sản xuất, chi phí sản xuất kinh doanh cao;

        Với mục tiêu trong năm 2025: Phát triển kinh tế ổn định, thúc đẩy tăng trưởng cao; tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển Bến Tre về hướng Đông ; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Để đạt được những mục tiêu đề ra thì các ngành, các cấp cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp như sau:  chủ động nắm thông tin, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động thuận lợi và phát triển; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; mở rộng mạng lưới phân phối và phát triển hệ thống phân phối hiện đại; kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại; tiếp tục phát triển thương mại điện tử. Duy trì và thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu../.
(Tác giả: Thụy-SCT)