• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Bến Tre triển khai các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025

(Cập nhật: 06/01/2025)
      Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025.
       Nhằm đảm bảo người dân tỉnh Bến Tre có một cái Tết đủ đầy, an vui, Sở Công Thương đã tích cực triển khai các kế hoạch chi tiết về cân đối cung cầu, dự trữ hàng hóa và bình ổn giá cả trên địa bàn tỉnh cụ thể tại Kế hoạch số  3144/KH-SCT vào ngày 12/12/2024 nhằm triển khai các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn thị trường trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025.
       Dự báo nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán 2025 tăng cao, đặc biệt ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Hoạt động mua bán hàng hóa sẽ sôi động và cao điểm hơn so với các tháng trong năm. Giá các mặt hàng thiết yếu dự báo tăng từ 10-80% so với ngày thường, đặc biệt là đối với rau, củ, quả, thủy hải sản và hoa kiểng.

        Đến nay, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cân đối cung cầu, chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025, với tổng trị giá trên 260 tỷ đồng. Nguồn hàng các siêu thị, của hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối chủ động tăng từ 5% đến 10% các mặt hàng rau, củ, quả, thịt các loại (heo, gia cầm, hải sản...), sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm mát; sản phẩm rượu, bia tăng từ 3-5%. Trong đó, các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Đặc biệt, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bắt đầu giảm giá từ trước 02 tháng so với tết và luân phiên giảm giá mạnh mạnh đối với sản phẩm vệ sinh, trang trí nhà cửa, các loại thực phẩm ngâm, mứt, gia vị, cận tết là lạp xưởng, trái cây, bánh chưng, mâm cỗ tết... Trữ lượng gạo tại Công ty Lương thực Bến Tre ước khoảng 500 tấn trữ tại kho, nhà máy và tại các cửa hàng. Về mặt hàng xăng dầu, tỉnh có 02 kho xăng dầu dự trữ khoảng 2.500 m3 xăng, 1.800 m3 dầu và 355 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của khoảng 220 doanh nghiệp.

          Đối với sản lượng nông, thủy sản cung cấp trong tháng 12 năm 2024 và dịp tết Nguyên đán 2025 khá dồi dào. Thịt gia súc, gia cầm (hơi): 12.000-12.500 tấn heo, 4.000-4.200 tấn bò, gia cầm: 4.500-5.000 tấn, trứng gia cầm: 10-11 triệu quả. Thủy sản: cá Tra 5.000 tấn; tôm các loại: Càng Xanh: 50 tấn, Sú 100 tấn, thẻ chân trắng 1.500 tấn, tôm các loại 100 tấn; Nghêu 200 tấn; Mực xô 3.000 tấn; Cá xô, tạp 5.000 tấn... Sản phẩm chưng ngày Tết: Bưởi 3.000 tấn, dưa Hấu 4.500 tấn, Xoài các loại 2.000 tấn…

           Nguồn hàng tại Chợ Đầu mối Nông sản Phường 8, các tiểu thương chủ động trong việc kết nối, tìm kiếm, thu gom nguồn hàng mới, dự báo sản lượng hàng hóa tiêu thụ dịp tết Nguyên đán tăng, trong đó các mặt hàng cụ thể: rau, củ, quả tăng từ 40-60%, thủy hải sản tăng 40-45%, thịt (gia súc, gia cầm) tăng 38-50%, trứng gia cầm tăng 14-30%, các mặt hàng gia vị tăng 75-80%, giá bán các mặt hàng dự báo dao động tăng từ 10-80% tăng so ngày thường. Sản lượng sản xuất hoa, kiểng ước khoảng 10 triệu sản phẩm các mặt hàng như: Vạn thọ, Cúc mâm xôi, Mào gà, Mai vàng, Hoa giấy, Tắc kiểng trong chậu, Kiểng lá... tập trung tại huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc.


            Hình. Người dân tại huyện Chợ Lách tập trung chăm sóc hoa, kiểng phục vụ tết Nguyên đán 2025 (P. QLTM)


            Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường của các doanh nghiệp, Sở Công Thương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó bao gồm những nội dung chính sau:

           Theo dõi, đánh giá tình hình cung cầu và nhu cầu hàng hoá: Tổ chức theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu và những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết. Qua đó, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị liên quan các giải pháp đảm bảo cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến; Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất để đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng nông sản, hoa kiểng, thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong tỉnh.

           Tổ chức khảo sát và tăng cường kiểm tra thị trường: Khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp cung ứng hàng hoá và các chợ truyền thống. Phối hợp Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tình hình giá cả, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn thực phẩm. Kiểm tra việc duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu đảm bảo chất lượng, đo lường và giá bán phù hợp quy định.

          Hỗ trợ và khuyến khích sản xuất kinh doanh:  Theo dõi sát tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến, bánh kẹo, và các nhu yếu phẩm khác. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cung ứng đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết.

          Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm: xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái quy định; đảm bảo hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

          Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động của các doanh nghiệp, kỳ vọng mùa sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịp Tết Nguyên Đán sẽ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, góp phần tạo điều kiện để người dân đón mùa Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm đảm bảo theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết Ất Tỵ năm 2025.
(Tác giả: Thúy Mai-SCT)