• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tổng kết Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 - 2025”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Hội nghị (Ảnh: Ngọc Xuyên)

Tổng kết Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 - 2025”

(Cập nhật: 22/05/2025)
          Chiều ngày 20/5/2025, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 - 2025”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Hội nghị.
            T
ại điểm cầu tỉnh Bến Tre, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã tham dự hội nghị.
         Sau 10 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia Trung Đông - Châu Phi không ngừng được mở rộng. Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, Việt Nam vẫn duy trì và thúc đẩy quan hệ với các đối tác trọng yếu như UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Israel và Ai Cập. Các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương được đẩy mạnh, góp phần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp Halal…

         Đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA với các quốc gia Trung Đông. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào khu vực này, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như nông sản, dệt may, sản phẩm Halal…

         Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre sang khu vực Trung Đông đạt khoảng1,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: cơm dừa nạo sấy, hàng dệt may. Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Đông còn hạn chế do gặp khó khăn về khoảng cách địa lý, chi phí logistics cao, rủi ro thanh toán.

         Với khu vực Châu Phi, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 41 triệu USD. Đây tiếp tục là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa và dệt may. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng còn chậm do khoảng cách địa lý xa, phong tục tập quán và ngôn ngữ khác biệt, phương thức thanh toán phức tạp và tình trạng lừa đảo trong giao dịch khiến các doanh nghiệp thận trọng khi ký kết hợp đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Phi.

         Xuất khẩu sang các nước Halal năm 2024 đạt khoảng 15,5 triệu USD. Các mặt hàng chính gồm: cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính, hàng dệt may… với 15 doanh nghiệp của tỉnh đang hoạt động xuất khẩu sang thị trường này. Để tiếp cận các thị trường Halal, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải có chứng nhận Halal – điều mà các doanh nghiệp Bến Tre đang ngày càng quan tâm đầu tư.

         Nhận thức rõ vai trò của ngoại giao kinh tế trong thúc đẩy đầu tư, thương mại và quảng bá sản phẩm, thời gian qua tỉnh Bến Tre đã tăng cường các hoạt động đối ngoại. Đặc biệt, vào tháng 9/2023, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ả Rập Xê Út, Sở Công Thương Bến Tre đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả Rập Xê Út, thống nhất hỗ trợ quảng bá sản phẩm Halal của tỉnh đến các quốc gia Hồi giáo. Tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư – thương mại với các nước Trung Đông - Châu Phi nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

        Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 - 2025” là minh chứng rõ nét cho chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia tại khu vực được xem là “cửa ngõ” giữa châu Á và châu Âu. Thứ trưởng khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - Châu Phi đang phát triển sâu rộng, thực chất, đặc biệt trong 3 năm gần đây. Các hoạt động thương mại ngày càng có trọng tâm, trọng điểm, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Tần suất trao đổi đoàn cấp cao được tăng cường, phản ánh sự quan tâm chiến lược của Việt Nam đối với khu vực này.

        Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục củng cố, nâng cấp các khuôn khổ pháp lý để tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương thúc đẩy hợp tác hiệu quả. Đồng thời, với định hướng hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ “bộ tứ chiến lược” theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, khai thác tối đa tiềm năng hợp tác với Trung Đông - Châu Phi, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
(Tác giả: Ngọc Xuyên)