• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Bến Tre khuyến nghị chính sách và giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện mới trong kỷ nguyên số và góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2045

(Cập nhật: 16/08/2022)
Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Tuy nhiên, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” lần đầu tiên được xác định chính thức trong Văn kiện Đại hội VII, đó là “Quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”.

Đối với tỉnh Bến Tre, qua 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá với chất lượng được nâng lên, mô hình tăng trưởng chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu; cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; mức sống của người dân ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp, giá trị tăng thêm (giá so sánh) năm 2020 đạt 4.944 tỷ đồng, gấp 6,7 lần năm 2001; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001-2020 đạt 10,56%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 42,8 triệu đồng/người, tăng 38,27 triệu đồng so với năm 2001, bằng 75,74% bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và bằng 66,37% bình quân cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm của tỉnh giai đoạn 2001-2020 đạt 7,09%, trong đó Khu vực I tăng 3,78%, Khu vực II tăng 10,34%, Khu vực III tăng 10,63% ; năm 2021 tăng 4%, trong đó, khu vực I tăng 5,6%; khu vực II tăng 5,94%; khu vực III tăng 1,66%. Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp, giá trị tăng thêm (giá so sánh) năm 2020 đạt 4.944 tỷ đồng, gấp 6,7 lần năm 2001 và năm 2021 đạt 5.211,8 tỷ đồng, gấp 7,1 lần năm 2001; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001-2020 đạt 10,56%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 42,8 triệu đồng/người, tăng 38,27 triệu đồng so với năm 2001, bằng 75,74% bình quân của vùng ĐBSCL và bằng 66,37% bình quân cả nước, năm 2021 đạt 44,4 triệu đồng/người, tăng 39,7 triệu đồng so với năm 2001, bằng 75,73% bình quân của vùng ĐBSCL và bằng 50,22% bình quân cả nước.

Tiềm năng thế mạnh của tỉnh được khai thác một cách có hiệu quả gắn với phát triển và mở rộng thị trường. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được áp dụng rộng rãi vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2020, tỷ trọng Khu vực I chiếm 38,6%, giảm 28,06% so năm 2001, bằng 1,21 lần bình quân của vùng và 2,6 lần bình quân cả nước; tỷ trọng Khu vực II chiếm 18,3%, tăng 5,46% so năm 2001, bằng 69,23% bình quân của vùng và 54,26% bình quân cả nước; tỷ trọng Khu vực III chiếm 39,55%, tăng 19,04% so năm 2001, bằng 1,1 lần bình quân của vùng và 95,01% bình quân cả nước. Đến năm 2021, tỷ trọng Khu vực I chiếm 37,15%, giảm 27% so năm 2001, bằng 1,11 lần bình quân của vùng và 3 lần bình quân cả nước; tỷ trọng Khu vực II chiếm 19,34%, tăng 5,77% so năm 2001, bằng 70,49% bình quân của vùng và 51,08% bình quân cả nước; tỷ trọng Khu vực III chiếm 39,99%, tăng 19,25% so năm 2001, bằng 1,08 lần bình quân của vùng và 97,66% bình quân cả nước.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 16.778 tỷ đồng, gấp 17,3 lần năm 2002, gấp 3,5 lần năm 2010, gấp 2,1 lần năm 2015, bằng 95,1% so bình quân chung vùng ĐBSCL và 1,11% so với cả nước, năm 2021 đạt 11.138 tỷ đồng, gấp 11,48 lần năm 2002, gấp 2,32 lần năm 2010, gấp 1,39 lần năm 2015, bằng 54,74% so bình quân chung vùng ĐBSCL và 0,32% so với cả nước; tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 là 15.960 tỷ đồng, gấp 20,59 lần năm 2002, gấp 4,73 lần năm 2010, gấp 2,01 lần năm 2015, bằng 99,61% bình quân của vùng ĐBSCL và 0,9% so với cả nước; năm 2021 đạt 10.157,012 tỷ đồng, gấp 13,10 lần năm 2002, gấp 3,01 lần năm 2010, gấp 1,28 lần năm 2015, bằng 84,8% bình quân của vùng ĐBSCL và 0,55% so với cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 đạt 19.149 tỷ đồng, gấp 12,9 lần năm 2001, gấp 3,99 lần năm 2005, gấp 2,04 lần năm 2010, gấp 1,42 lần năm 2015, bằng 74,54% bình quân của vùng ĐBSCL và bằng 55,74% bình quân cả nước. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2020 đạt 14,35%. Riêng năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.296,62 tỷ đồng, gấp 13 lần năm 2001, gấp 4,02 lần năm 2005, gấp 2,06 lần năm 2010, gấp 1,43 lần năm 2015, bằng 94,79% bình quân của vùng ĐBSCL và bằng 0,66% so với cả nước.

Đặc biệt, qua hơn 10 năm đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bến Tre luôn nằm trong nhóm các địa phương quản lý điều hành khá - tốt. Giai đoạn 2011-2020, Bến Tre đạt trung bình 63,84 điểm, cao hơn trung bình vùng ĐBSCL 2,24 điểm, và cao hơn trung bình chung cả nước 3,31 điểm và tại Hội nghị công bố kết quả PCI năm 2017, tỉnh Bến Tre vinh dự được VCCI trao tặng danh hiệu “Chính quyền kiến tạo”. Năm 2021, Bến Tre đạt trung bình 66,34 điểm, cao hơn trung bình vùng ĐBSCL 1,63 điểm và cao hơn trung bình chung cả nước 1,66 điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn có những hạn chế, bất cập:Kinh tế của tỉnh phát triển chưa toàn diện, quy mô kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; GRDP/người còn thấp so khu vực ĐBSCL. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi; hạ tầng đô thị phát triển chậm; công tác xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị còn hạn chế.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đạt yêu cầu; các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả chậm được nhân rộng; sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa đạt mục tiêu, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn thấp; kinh tế tư nhân phát triển khá nhưng quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt kinh tế tỉnh nhà.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tính bền vững trong công tác giảm nghèo chưa cao; đời sống một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo ở nông thôn còn khó khăn, khả năng tái nghèo cao; tỷ lệ hộ nghèo cao so với khu vực. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt chưa giải quyết triệt để; tình hình xâm nhập mặn trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra và kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân,.…

Nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện mới trong kỷ nguyên số và góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2045, Bến Tre khuyến nghị xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách và giải pháp:

Về chính sách CNH, HĐH: Tiếp tục nghiên cứu rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là chính sách đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề và chính sách đặc thù đối với ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Đổi mới và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; tăng cường hợp tác trực tiếp với các nước phát triển có tiềm lực kinh tế mạnh, các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn trên thế giới để tranh thủ được công nghệ hiện đại. Tiếp cận với cách quản lý đổi mới, sáng tạo và hiện đại, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập vào thị trường quốc tế.

Tổ chức bộ máy tổ chức xúc tiến, thu hút đầu tư và quản lý dự án FDI phải có hệ thống và theo nguyên tắc đầu mối, có thẩm quyền và chuyên nghiệp, bao gồm tổ chức xúc tiến cấp quốc gia ở Trung ương, cấp vùng và cấp tỉnh. Cơ quan xúc tiến cấp tỉnh chỉ là một khâu trong hệ thống xúc tiến quốc gia và được cơ quan xúc tiến quốc gia phân cấp thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của cơ quan xúc tiến quốc gia tại vùng, tỉnh đó; tránh có quá nhiều tổ chức xúc tiến nhưng không thực quyền, không có đủ nguồn để thực hiện công tác xúc tiến và quản lý FDI.

Về giải pháp: Tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; trong đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH và phát triển bền vững.

Tập trung hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp đáp ứng mục tiêu tăng trưởng; chuẩn bị các điều kiện triển khai các khu/cụm công nghiệp theo định hướng phát triển về hướng Đông để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất mới. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanhkết cấu hạ tầng công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng mục tiêu tăng trưởng:tập trung huy động đa dạng nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cụm công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp.

Định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh để các sản phẩm này tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm, xuất xứ có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; mô hình chọn tạo, sản xuất và cung ứng giống tốt cho nhu cầu sản xuất của người dân; mô hình ứng dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn vào sản xuất.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tác động tích cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ưu tiên các công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo; hoàn thiện hạ tầng lưới điện trung, hạ thế để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt.

CNH, HĐH phải được tiến hành đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nhân lực và điều kiện đầu tư phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc trưng của từng vùng. Hoàn thiện bộ khung kết cấu hạ tầng để tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng miền nhằm hình thành trục kinh tế, các hành lang kinh tế. Tận dụng tối đa lợi thế đất nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Xây dựng và ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu theo chuỗi giá trị, nhất là các chuỗi nông sản chủ lực của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng quốc gia và toàn cầu; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững; tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị gia tăng:chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, đổi mới, nâng cấp dây chuyền thiết bị các cơ sở hiện có để nâng cao sức cạnh tranh bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng cao, nhằmtạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp của tỉnh và tiểu vùng: Phát huy tối đa thế mạnh của vùng để phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, thông qua việc hình thành các cơ chế phối hợp, điều phối, giao 01 địa phương hoặc hình thành cơ quan điều phối vùng ĐBSCL để điều hành, đầu tư, phát triển các công trình, dự án trọng điểm có tính liên kết, kết nối giữa các tỉnh/thành; tăng cường các hoạt động phối hợp, liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh để phát huy sức mạnh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành theo các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh;thực hiện cải cách hành chính hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là chính sách đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình mới.

Nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước.

Hình thành một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển và thử nghiệm mô hình phát triển theo hướng hiện đại của thế giới tại các tỉnh ven biển. Từng bước giảm bớt chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng với nhau./.
Nguồn: P.QLCN – SCT