• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xuất nhập khẩu tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường
Xuất khẩu Mặt hàng dệt, may 6 tháng đầu năm giảm 12,7%.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường

(Cập nhật: 29/07/2020)

(Thanh tra) - 6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh Covid - 19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh kéo theo các hệ lụy đối với hoạt động kinh tế như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình hình khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất.

 


Bên cạnh đó là các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ chính là các quốc gia có số ca bệnh lớn nhất và phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, đây cũng là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 122,8 tỷ USD (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD (giảm 2,9%). Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.

Tuy vậy, kết quả xuất khẩu tháng 6 và 6 tháng đầu năm của khối doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 cũng thể hiện sự hồi phục so với trong và ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 năm 2020 đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với tháng 5 năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu, ngoại trừ thị trường châu Mỹ, xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều giảm so với cùng kỳ: châu Á đạt 60,78 tỷ USD, giảm 2,5% (trong đó ASEAN đạt 10,95 tỷ USD, giảm 18,7%); châu Âu đạt 20,33 tỷ USD, giảm 9,3% (trong đó EU-27 đạt 16,49 tỷ USD, giảm 6,8%); châu Phi đạt 1,14 tỷ USD, giảm 3,7%; châu Đại Dương đạt 1,86 tỷ USD, giảm 2,2%.

Tại khu vực châu Âu, xuất khẩu sang Anh, Pháp, Tây Ban Nha giảm mạnh (Anh đạt 2,34 tỷ USD, giảm 19,8%; Pháp đạt 1,58 tỷ USD, giảm 18,1%; Tây Ban Nha đạt 990 triệu USD, giảm 25,3%); trong khi xuất khẩu sang Đức và Hà Lan giữ được mức ngang cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nói tiếng Trung có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc (đạt 19,67 tỷ USD, tăng 18,2%); Hong Kong (đạt 4,11 tỷ USD, tăng 27,5%); Đài Loan (đạt 2,19 tỷ USD, tăng 18,3%).

Có thể nói, dù Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và sẽ khó đạt được kết quả tích cực như các năm trước khi thị trường tương đối ổn định.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020 sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa.

Bên cạnh đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình thực tế cho thấy xuất khẩu còn nhiều khó khăn, tiếp tục đối diện với những yếu tố khó lường. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm nhập khẩu khó có thể sớm cải thiện. Dự báo cho năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh Covid-19 và mở cửa lại nền kinh tế trên thế giới.

Nguồn: Thanhtra.com.vn