• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xuất xứ hàng hóa và biện pháp phát triển ngoại thương
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Xuất xứ hàng hóa và biện pháp phát triển ngoại thương

(Cập nhật: 09/08/2023)
Xuất xứ hàng hóa là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng hàng hóa, là công cụ thể hiện chính sách thương mại trong quan hệ song phương và đa phương giữa các quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, với việc gia nhập các hiệp định kinh tế - thương mại khu vực và thế giới trở thành xu thế, nhu cầu bức thiết nhằm duy trì và đẩy mạnh quan hệ thương mại thì việc xác định xuất xứ hàng hóa càng có ý nghĩa quan trọng. Xuất xứ giống như “quốc tịch” của hàng hóa, quy tắc xuất xứ giúp cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu và có được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA (các hiệp định thương mại tự do) hay không.

Các FTA đặt ra các quy tắc xuất xứ (ROO) nhằm xác định sự hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ sẽ được cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O ưu đãi)- đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA.  Việc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan sẽ khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm và sản xuất nguyên phụ liệu, hàng hóa trong phạm vi khu vực FTA, đồng thời kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các quốc gia, vùng lãnh thổ và thành viên FTA để thụ hưởng lợi ích mà FTA mang lại. Ngoài ra, các quy tắc xuất xứ là công cụ đo mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan. Cụ thể, mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng hóa sẽ được tính bằng kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi đến một thị trường thành viên FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến thị trường FTA đó.  Với cách thức này, có thể tính toán mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan đối với toàn bộ thương mại hàng hóa hoặc đối với từng nhóm sản phẩm.

Nếu không có quy tắc xuất xứ, hiện tượng thương mại chệch hướng sẽ rất khó ngăn chặn được khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA sẽ vào khu vực FTA thông qua nước thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA. Quy tắc xuất xứ trong các FTA thường được chia thành hai nhóm: nhóm quy tắc chung (áp dụng chung cho tất cả các mặt hàng) và nhóm quy tắc cụ thể theo từng mặt hàng. Các nhóm này nhằm phân biệt nguyên liệu “có xuất xứ” và nguyên liệu “không có xuất xứ” hoặc “không xác định được xuất xứ” trong hoạt động ngoại thương.

Hoạt động thương mại (ngoại thương) là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong cơ chế mở cửa thị trường hiện nay. Phát triển ngoại thương góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, qua đó điều tiết tỷ giá, lạm phát và vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô của một quốc gia. Theo điều 103 Luật Quản lý ngoại thương quy định chi tiết về chính sách chung phát triển ngoại thương bao gồm:

Thứ nhất, Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp như tín dụng, xúc tiến thương mại và các hoạt động mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. 

Thứ hai, Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước và nước ngoài được tham gia các hoạt động xúc tiến ngoại thương phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương phải phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược ngoại thương trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. 

Thứ tư, Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương được thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp với các biện pháp thúc đẩy đầu tư, du lịch.

Thứ năm, Xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương gồm xây dựng, bảo vệ, phát triển, quảng bá thương hiệu, sản phẩm trong nước ra thị trường nước ngoài; Thúc đẩy nhập khẩu có hiệu quả để phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công xuất khẩu; Thiết lập và cung cấp hệ thống thông tin xúc tiến thương mại.

Để thực hiện tốt các chính sách phát triển ngoại thương, cần có các biện pháp quản lý hoạt động phát triển ngoại thương, cụ thể: Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu; Quá cảnh hàng hóa; Đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài; Ủy thác, nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu, và gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài; Hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương.

Song song các biện pháp phát triển ngoại thương, Luật cũng quy định cơ chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp khi áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương giữa cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, Giải quyết khiếu kiện, thương lượng, hòa giải, tham vấn đối với các bất đồng, mâu thuẫn giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài liên quan đến việc áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương không phù hợp với các quy định củaĐiều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Thứ hai, Xây dựng và thực hiện kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Thứ ba, Cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng cứ và tài liệu liên quan phục vụ giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Thứ tư, Cử người có đủ năng lực của cơ quan, tổ chức mình tham giai giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương khi được Cơ quan chủ trì yêu cầu.

Thứ năm, Thực hiện các công việc liên quan đến giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trong giai đoạn tố tụng của cơ quan trọng tài hay cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định tại Điều ước quốc tế và giải quyết tranh chấp.

Thứ sáu, Thực hiện, phối hợp, xử lý các nội dung liên quan đến thi hành phán quyết, quyết định, rà soát việc tuân thủ phán quyết, quyết định của cơ quan trọng tài hay cơ quan tài phán quốc tế có thẩm định.
Tin: Thư – TT.KC&XT