• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Định hướng xuất nhập khẩu của tỉnh đến năm 2030, bài 2: Phát triển xuất nhập khẩu bền vững
Sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: H. Trung

Định hướng xuất nhập khẩu của tỉnh đến năm 2030, bài 2: Phát triển xuất nhập khẩu bền vững

(Cập nhật: 07/06/2023)

BDK - Theo chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa đến năm 2030, tỉnh hướng tới mục tiêu: Phát triển XNK bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường, cán cân thương mại, các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.


Xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định

 Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,5 - 14,5%. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 13,22% và giai đoạn 2026 - 2030 có mức tăng trưởng bình quân 15%.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu (NK) toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 7-8%. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 có mức tăng bình quân đạt 8-9% và giai đoạn 2026 - 2030 có mức tăng trưởng bình quân tăng 6-7%. Phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre là tỉnh có kim ngạch XK khá cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (top 3) và trở thành tỉnh có kim ngạch XK ở mức khá của cả nước (top 30).

XK, NK phát triển với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa. Tập trung phát triển XK, NK theo hướng nâng dần quy mô sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản. Đặc biệt, quan tâm đến quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và khai thác nguồn nguyên liệu trên địa bàn một cách hợp lý, khoa học. Mở rộng diện tích nuôi trồng các mặt hàng chủ lực, đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ, nghiên cứu ngư trường đánh bắt, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao.

Thực hiện đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến và nâng cấp mặt hàng truyền thống. Tích cực đầu tư, nâng cấp, đổi mới dây chuyền công nghệ trong chế biến thủy sản, nông nghiệp, gia công may mặc. Giảm hàm lượng lao động giản đơn, nâng cao hàm lượng công nghệ, chất xám để tăng sức cạnh tranh của hàng hoá. Khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tiếp cận công nghệ tiên tiến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm quốc tế theo tiêu chuẩn ISO, đạt tiêu chuẩn HACCP, Code EU, SA8000,… tạo điều kiện cho các DN đăng ký bản quyền, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm để tránh hàng gian, hàng giả, tranh chấp thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích, mời gọi chuyên gia nghiên cứu sản phẩm mới từ các nguồn nguyên liệu sẵn có của tỉnh. Khuyến khích DN đầu tư phát triển sản xuất mặt hàng mới, có thị trường mà tỉnh chưa sản xuất. Xây dựng đội ngũ thương nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh, tham gia tích cực vào quá trình phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đổi mới mô hình tổ chức, công nghệ quản lý và phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng các loại hình DN thương mại. Đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả XNK phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Phát huy lợi thế từng nhóm hàng

Phấn đấu nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch XK, với 88% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Nhóm hàng rau quả chiếm tỷ trọng 8% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Nhóm hàng thủy hải sản chế biến 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030.

 Tỷ trọng thị trường XK khu vực Liên minh châu Âu (EU) chiếm từ 14 -  15% trong tổng kim ngạch XK vào năm 2025 và 16-17% vào năm 2030. Khu vực châu Mỹ lên 27-28% trong tổng kim ngạch XK vào năm 2025 và 29-30% vào năm 2030. Khu vực châu Á lên 55-56% trong tổng kim ngạch XK vào năm 2025 và 49-50% vào năm 2030.

Tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Trong đó, tập trung vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Hiệp định này ưu tiên mặt hàng XK chủ yếu là nông sản; là một trong những mặt hàng có lợi thế rất lớn đối với Bến Tre.

 Phấn đấu tỷ trọng thị trường NK từ các nước phát triển khu vực Liên minh châu Âu chiếm khoảng 6-7% tổng kim ngạch NK vào năm 2025 và 7-8% vào năm 2030. Khu vực Bắc Mỹ (chủ yếu là Hoa Kỳ) lên khoảng 6-7% tổng kim ngạch NK vào năm 2025 và 8-9% vào năm 2030. Nhật Bản lên khoảng 7-7,5% tổng kim ngạch NK vào năm 2025 và 8-8,5% vào năm 2030. Hàn Quốc lên khoảng 16-17% tổng kim ngạch NK vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng thị trường NK từ khu vực châu Á xuống còn 79-80% vào năm 2030, trong đó Trung Quốc 30-31%, ASEAN 10-11%.

Bến Tre có vùng nguyên liệu dừa và trái cây (bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm,...) lớn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, còn có thế mạnh để phát triển kinh tế biển, nên định hướng phát triển các mặt hàng chủ lực là: Sản phẩm chế biến từ thủy sản như tôm, cá, nghêu… Sản phẩm từ dừa như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, mật hoa dừa… Sản phẩm công nghiệp mà tỉnh có khả năng phát triển như dệt may, mặt hàng túi xách, bộ dây điện dùng cho ô tô.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, với việc tiếp tục tận dụng được lộ trình miễn giảm thuế quan từ các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực như Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, các Hiệp định mới như Việt Nam - EU (EVFTA), Asean - Hồng Kông (AHKFTA), EVFTA, RCEP…với lộ trình xóa bỏ tới trên 90% dòng thuế. Các sản phẩm XK của tỉnh sẽ có xu hướng tăng mạnh, nhất là các sản phẩm như: sản phẩm từ dừa, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, da giày, dệt may, nông sản và nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ…

Phát triển thương mại điện tử

Phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của các DN trong tỉnh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cho hàng hóa, sản phẩm của các DN trong tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các DN và khuyến khích người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển các hoạt động TMĐT, mua bán trực tuyến.

 Xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh; đưa TMĐT trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực về TMĐT; tuyên truyền, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về TMĐT để nhân lực có đủ khả năng giao dịch TMĐT. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. Xây dựng lực lượng cán bộ có chuyên môn đáp ứng được công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Xây dựng cơ chế, bộ máy phù hợp và triển khai hoạt động thống kê về TMĐT và các hoạt động hỗ trợ TMĐT. Xây dựng các cơ sở dữ liệu sử dụng chung cho các lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động XNK, thống kê…

(Còn tiếp)
Nguồn: Baodongkhoi.vn