• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Cơ hội và thách thức từ cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA đối với Việt Nam
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cơ hội và thách thức từ cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA đối với Việt Nam

(Cập nhật: 22/08/2023)
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là 2 hiệp định thế hệ mới Việt Nam tham gia và mới đi vào hiệu lực. Các nền kinh tế thành viên chủ yếu là những đối tác kinh tế quan trọng, là những thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc khai thác hiệu quả những thị trường này trong thời gian tới sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam, giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có thêm động lực phát triển, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng và những cơ hội lớn về mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường thành viên các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế và đảm bảo việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả những cam kết của mình, trong đó có các cam kết về lao động và công đoàn.

CPTPP và EVFTA có nội dung cam kết rộng hơn so với các FTA khác, trong đó bao gồm các cam kết về lao động môi trường, xã hội, đảm bảo tự do thương mại đóng góp vào phát triển bền vững ở mỗi quốc gia thành viên, đồng thời tạo ra các điều kiện để người lao động, doanh nghiệp cũng như các chủ thể tham gia vào thương mại quốc tế đều được hưởng lợi ích một cách công bằng trong đó có lợi ích kinh tế, xã hội. Cơ hội từ thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA đối với Việt Nam cụ thể như sau:

Thứ nhất, phát triển xuất nhập khẩu: Hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan khi Việt Nam thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA, nhờ đó sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu. Việc thuế xuất nhập khẩu từ phía đối tác giảm dần về 0% sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu. Theo lộ trình thực thi cam kết trong hai hiệp định, nếu quốc gia nào không thực hiện cam kết về lao động hay vi phạm quy định về lao động thì các quốc gia đối tác sẽ không cho hàng hóa xuất khẩu của quốc gia vi phạm ảnh hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia mình. Ngoài ra, việc thực thi các cam kết về lao động, công đoàn sẽ giúp hàng hóa có đủ “giấy thông hành” vào thị trường quốc gia thành viên. Hiện gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là xuất sang các thị trường quốc gia là thành viên của CPTPP và EVFTA.

Thứ hai, mở rộng sản xuất và tạo cơ hội việc làm: Thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA sẽ tạo ra cơ hội mở rộng sản xuất. Quy mô mở rộng và công suất sản xuất tăng sẽ cho phép doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực và hiệu qủa sản xuất, mà còn nắm bắt và tiếp cận nhu cầu thị trường quốc gia nhập khẩu. Qua quá trình thực thi các cam kết hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan giúp doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa từ đó mở ra nhiểu cơ hội việc làm mới.

Thứ ba, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: CPTPP và EVFTA mở ra cơ hội giao thương thuận lợi giữa Việt Nam và 37 quốc gia thành viên của CPTPP và EVFTA. Thương mại phát triển, thị trường rộng mở cùng với hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, sẽ hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thứ tư, tạo điều kiện để các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu: Thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong các hiệp định giúp Việt Nam nâng cao chất lượng, năng suất lao động, tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng của hàng hóa xuất khẩu. Do đó, hàng hóa xuất khẩu có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng ngày càng nâng cao của các thị trường đối tác trong hai hiệp định. Chất lương hàng hóa được cải thiện và nâng cao sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Thứ sáu, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu: Với những yêu cầu minh bạch chính sách rất cao và đi trước thực tiễn so với nhiều hiệp định khác, CPTPP và EVFTA có thể trở thành một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến hành cải cách thể chế thị trường một cách sâu rộng và toàn diện, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy và thu hút cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài trong sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh những cơ hội, thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA cũng đem lại nhiều thách thức đối với Việt Nam như:

- Tăng chi phi về nhân công và thu hút lao động khi thực thi những tiêu chuẩn, quy định về lao động, công đoàn của CPTPP và EVFTA: Các cam kết mạnh mẽ về lao động trong CPTPP và EVFTA (quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, cấm sử dụng lao động trẻ em…) sẽ trực tiếp và gián tiếp làm tăng chi phí về nhân công và tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh của các quốc gia đang phát triển vốn đang dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động.

- Trình độ, tay nghề của người lao động Việt Nam: Trình độ của người lao động Việt Nam trong nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu hiện nay mới chỉ phù hợp và đáp ứng khâu có trình độ công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu trong các khâu yêu cầu trình độ cao, kỹ năng cao và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, lao động có trình độ ngoại ngữ có tay nghề, kỹ năng của Việt Nam cũng đang là rào cản lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế.

- Sức ép từ các đối thủ cạnh tranh: Lợi thế cạnh tranh nhờ nguồn lao động dồi dào. Chi phí nhân công rẻ của Việt Nam hiện nay đang bị giảm dần. So với các nhà xuất khẩu hàng hóa thâm dụng lao động (dệt may, da giày, điện tử…) trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế về máy móc, thiết bị, công nghệ chưa kể năng suất lao động cũng tương đối thấp.

- Sức ép về thực thi các điều khoản lao động trong CPTPP và EVFTA: Thực thi các cam kết của CPTPP, EVFTA là một quá trình, với lộ trình cụ thể. Trong quá trình thực thi các cam kết, nếu Việt Nam không có tiến triển rõ rệt, hay thực thi đầy đủ và đúng theo các cam kết, thì sẽ phải mất các lợi ích thương mại, mất cơ hội để gia tăng hiệu quả xuất khẩu, thậm chí bị trừng phạt thương mại theo các quy định của từng hiệp định. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả và lợi ích trong thương mại quốc tế, cũng như hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Thách thức đối với cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu trong ngắn hạn: Đối với Việt Nam hiện nay, so với các quốc gia khác, năng suất lao động còn khá thấp, thiếu lao động có trình độ tay nghề cao và kỹ năng chuyên môn tốt. Vì vậy dẫn đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn so với sản phẩm cùng loại của quốc gia khác, từ đó dẫn đến làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

- Những năm đầu thực thi CPTPP và EVFTA, các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động sẽ gặp khó khăn về lao động và tiền lương.

- Thách thức trong khai thác hiệu quả những ưu đãi từ CPTPP và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn hẹp, hạn chế về vốn, công nghệ, thiếu kinh nghiệm quản lý và kiến thức hội nhập, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo trong sản xuất và xuất khẩu theo hướng tận dụng ưu đãi. Do đó, khi thực thi cam kết trong CPTPP và EVFTA, trong đó thực thi cam kết về lao động, công đoàn, chưa được doanh nghiệp quan tâm và triển khai thực thi đầy đủ, từ đó khai thác chưa hiệu quả những ưu đãi từ hai hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tin: Thư – TT.KC&XT