• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xuất khẩu nông sản: Điểm sáng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Xuất khẩu nông sản: Điểm sáng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(Cập nhật: 05/01/2021)
Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020 nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ghi nhận những kết quả khả quan trong xuất khẩu. Đáng chú ý, trong bức tranh xuất khẩu này thì các sản phẩm lúa gạo, nông sản đã trở thành “điểm sáng” góp phần tô điểm cho bức tranh xuất khẩu của toàn vùng.
 


Nông nghiệp “điểm sáng” trong hoạt động xuất khẩu

Kết thúc năm 2020, nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An… đã ghi nhận những kết quả xuất khẩu tích cực. Trong đó, tại An Giang, theo đại diện Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 928,150 triệu USD, tăng 4,29% so với năm 2019. Riêng với gạo, trong năm 2020 ngành xuất khẩu gạo An Giang không những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực mà còn thu về 270 triệu USD kim ngạch, tăng 18,6% so với 2019. Ngoài gạo, mặt hàng rau củ quả đông lạnh cũng là điểm sáng năm 2020 khi đạt 100% kế hoạch, kim ngạch tăng 4% so với cùng kỳ thu về 16,7 triệu USD. Riêng mặt hàng thủy sản, đầu năm 2020 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn của ngành khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, tuy nhiên ngành xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã có cú lội ngược dòng khi đã đạt 99% kế hoạch năm thu về 282 triệu USD.

Sở Công Thương An Giang đánh giá trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid- 19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để tạo nền tảng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2021 của tỉnh An Giang.

Tại Hậu Giang, theo ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hậu Giang đạt trên 610 triệu USD, tăng trên 4% so với 2019 và các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là nông nghiệp như tôm cá, nông sản.

Còn tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Đô- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho biết, các DN trên địa bàn đã nhanh chóng khắc phục khó khăn do dịch bệnh và chuyển hướng xuất khẩu từ hình thức trực tiếp qua sàn thương mại điện tử. Năm 2020, toàn tỉnh cũng đã hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra là 1,2 tỷ USD.

Theo ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL, để có được những thành quả như vậy là có sự đổi mới trong công tác tiếp cận thông tin, thông qua hình thức phối hợp với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cũng như các Tham tán thương mại hỗ trợ thông tin đến DN. Đặc biệt những nỗ lực trong công tác hỗ trợ DN tiếp cận, thông tin các hiệp định quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP cũng phần nào giúp DN nắm bắt thông tin thị trường và tiếp cận hiệu quả hơn. Ngoài ra, các Sở cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN xuất khẩu.

Năm 2021- Tận dụng lợi thế từ các FTA

Để hoạt động xuất khẩu trong năm 2021 được hiệu quả, ngành Công Thương các tỉnh thành vùng D9BSCL sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ DN trong công tác cung cấp thông tin về thị trường, tiếp tục mở rộng quan hệ với các Tham tán thương mại của các nước tại Việt Nam. Thiết lập các kênh thông tin với các Tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất. Kịp thời tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang Trung Quốc. Thực hiện rà soát các sản phẩm xuất khẩu tiểu ngạch để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng cũng như xúc tiến chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, các tỉnh thành trong cùng cũng sẽ chú trọng vào việc tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP… cho cộng đồng DN, từ đó giúp họ có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả. Đặc biệt, xác định nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của vùng, các địa phương sẽ có những giải pháp để “tăng chất” cho sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể như ở Hậu Giang sẽ quyết liệt hơn trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho biết thêm, Sở sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu sử dụng tem truy xuất nguồn gốc của các cơ sở, DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để tiếp tục triển khai thực hiện và nhân rộng đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản, từ đó giúp hàng hóa tỉnh nâng sức cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đô cho biết, trong bối cảnh kinh doanh đang có nhiều thay đổi, ngành Công Thương Cà Mau đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể giúp các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất liên kết, hỗ trợ cùng phát triển, hình thành chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, trong đó ưu tiên cho thương mại điện tử xuyên biên giới để phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, hỗ trợ các DN xuất khẩu thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA…

Từ phía DN, ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc - Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ dự báo xuất khẩu trong năm 2021 sẽ có nhiều thuận lợi do các DN xuất khẩu gạo, thủy sản - là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của vùng ĐBSCL khi phát huy lợi thế từ các FTA. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả và kim ngạch xuất khẩu các DN cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng vùng trồng và đáp ứng an toàn thực phẩm- ông Bình nhấn mạnh.

Nguồn: Congthuong.vn