• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xây dựng và phát triển thương hiệu cho trái dừa Bến Tre

Xây dựng và phát triển thương hiệu cho trái dừa Bến Tre

(Cập nhật: 02/08/2019)

Thương hiệu là một trong các nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, nâng cao văn minh thương mại, góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, các doanh nghiệp đứng trước việc cạnh tranh gay gắt, nhất là khi có nhiều hàng hóa của nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, điều hết sức cần thiết là các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu cho hàng hóa của mình.

Để tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp có thể là một hoặc kết hợp một số yếu tố như: từ ngữ đặc trưng, thường là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của doanh nghiệp; kiểu dáng công nghiệp; biểu trưng (logo): là các nhãn hiệu hình hoặc phần hình đặc trưng của doanh nghiệp; khẩu hiệu đặc trưng (slogan); màu sắc đặc trưng; kiểu dáng đặc trưng của sản phẩm; âm thanh, mùi vị; phương thức phục vụ, chăm sóc khách hàng,…

Bến Tre hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước - trên 72.000 hecta (chiếm 50% diện tích cả nước), sản lượng đạt trên 600 triệu trái mỗi năm. Những vườn dừa bạt ngàn tập trung ở các huyện phía tây của tỉnh như: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm.

Toàn tỉnh có khoảng trên 130 doanh nghiệp ngành dừa. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2018 đạt trên 200 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính hiện nay: Cơm dừa nạo sấy; sữa dừa; nước dừa đóng lon/hộp; than hoạt tính; chỉ xơ dừa; mụn dừa; thạch dừa; bột sữa dừa, dầu dừa... Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đến năm 2018 đã xuất khẩu sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn chung, hoạt động sản xuất chế biến và tiêu thụ dừa có bước phát triển khá, có nhiều dự án chế biến dừa quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm mới từ dừa được thương mại hóa với quy mô lớn, sản lượng các sản phẩm mới có sự tăng trưởng khá.

Ảnh: Từ trái dừa, các doanh nghiệp trong tỉnh đã sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo, sáng tạo phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng  (nguồn: XTTM-SCT).

Định hướng phát triển xây dựng thương hiệu cho trái dừa Bến Tre trong thời gian tới, ngành nông nghiệp, các địa phương và sở ngành có liên quan cần tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chất lượng, khuyến khích phát triển các vườn dừa hữu cơ; Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dừa; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm tinh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; Khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm.

Bên cạnh giải pháp sản xuất, ngành nông nghiệp, ngành công thương… cùng các doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm dừa đã và đang tham gia xuất khẩu…; Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ với các thị trường xuất khẩu; Tăng cường tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, tham gia các hội chợ - triển lãm trong và ngoài nước; đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; Quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp trên các cổng thông tin quốc gia, của tỉnh, áp dụng các phương thức kinh doanh tiên tiến,... tạo cơ hội tập trung xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng như: EU, Tây Á, ASEAN, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Đông Âu, Châu Phi… Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm dừa đến rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện cải cách hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các hoạt động sản xuất và xuất khẩu ngành dừa.

Ảnh: Một trong số các doanh nghiệp Bến Tre đã xây dựng và phát triển thành công thương hiệu cho sản phẩm từ dừa tại thị trường trong nước và quốc tế (nguồn: XTTM-SCT).

Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngành dừa tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Kết nối với các doanh nghiệp, các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…); Tích cực ứng dụng thương mại điện tử, các phương thức kinh doanh hiện đại, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Lazada, Sendo, Shopee, Amazon…tạo cơ hội kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.  Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống như: Canada, Đức, Brazil, Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Nga, Bỉ, Chile, Israel, Puerto Rico, Thái Lan, Nam Phi, Ý, Ecuador, Malaysia, Thụy Sĩ, New Zealand, Colombia, Tây Ban Nha, Singapore, Indonesia, Ảrập Saudi..., phát triển thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Riêng sản phẩm dừa uống nước, hiện nay sản phẩm dừa xiêm xanh của tỉnh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đồng thời một số doanh nghiệp cũng đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đã xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Thời gian tới khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguồn: QLTM-SCT