• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bến Tre tập trung phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa
Chủ trì phiên giải trình. (Ảnh: Phương Thảo)

Bến Tre tập trung phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa

(Cập nhật: 11/12/2024)
        Sáng 11/12/2024, Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê chủ trì Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về “Việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre”.  Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và một số doanh nghiệp ngành dừa trên địa bàn tỉnh tham dự.
       Tại phiên giải trình, có 11 câu hỏi của đại biểu đặt ra liên quan đến: Giải pháp giúp người dân kiểm soát, phòng ngừa được dịch bệnh trên cây dừa nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn dừa hữu cơ xuất khẩu theo yêu cầu thị trường. Giải pháp quản lý, đầu tư thực hiện phát triển ngành chế biến dừa đạt mục tiêu theo Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030…

       Đại biểu đặt vấn đề: Xuất khẩu dừa tươi đang có nhiều cơ hội nhưng vẫn khó khăn, thách thức. Dừa uống nước dù trồng khá tập trung nhưng thực tế vẫn rải rác không liền kề khó khăn khi xây dựng và chứng nhận mã vùng trồng trong khi nhà nhập khẩu yêu cầu phải có mã vùng trồng. Ngành công thương đã có giải pháp hay đề xuất gì giải quyết các khó khăn, tạo điều kiện cho xuất khẩu dừa tươi ở tỉnh nhà trong thời gian tới.

                                             Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh giải trình ý kiến của đại biểu. (Ảnh: Phương Thảo)

      Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Vào tháng 10 vừa qua, trái dừa tươi của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng - nơi có diện tích và sản lượng dừa lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, việc xuất khẩu dừa tươi vào thị trường này đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như trong Nghị định thư đã ký kết. Hiện nay, diện tích trồng dừa ở tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán, kỹ thuật chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe về mã vùng trồng từ các nhà nhập khẩu, gây khó khăn trong việc đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

       Trước tình hình đó, nhằm giúp bà con nông dân trồng dừa có đầu ra ổn định và bền vững, đồng thời giúp doanh nghiệp có nguồn hàng và thị trường xuất khẩu ổn định, Sở Công Thương đề xuất thực hiện một số giải pháp sau: Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tập huấn và hội thảo có sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp trồng, chế biến dừa nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của xuất khẩu dừa tươi trực tiếp, các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, và sự quan trọng của liên kết chuỗi giá trị. Các nội dung tập huấn sẽ bao gồm kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và môi trường.

       Sở Công Thương sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin, quy định về xuất nhập khẩu dừa từ các quốc gia khác nhau để kịp thời cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho ngành dừa cũng như ngành nông nghiệp địa phương. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dừa có nhu cầu trang bị máy móc thiết bị mới, Sở sẽ hướng dẫn liên hệ để nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu.

       Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga thông tin thêm, hiện nay, tỉnh đã xác định cây dừa là cây trồng chủ lực, với định hướng đẩy mạnh công nghiệp chế biến dừa để phát triển bền vững trong thời gian tới. Để đẩy mạnh phát triển ngành dừa của tỉnh trong thời gian tới, giữa các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở ngành dừa cần phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp then chốt sau: Ngoài các sản phẩm có giá trị cao như tinh dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, và nước dừa đóng hộp, ngành cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường xuất khẩu. Cần đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dừa, tạo ra giá trị gia tăng cao và giảm giá thành sản xuất. Sở sẽ chú trọng vào việc tìm kiếm, phát triển hoặc nhập khẩu các công nghệ chế biến hiện đại, đồng thời hỗ trợ các cơ sở chế biến trong việc đổi mới thiết bị, cải tiến mẫu mã và bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các dự án chế biến sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, và thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần (logistic), kho bãi, bảo quản và cấp đông sản phẩm dừa. Tập trung phát triển vùng trồng dừa quy mô lớn, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cung ứng cho chế biến, đặc biệt là dừa hữu cơ…


                                      Phó GĐ Sở Công thương - Nguyễn Thị Quỳnh Nga giải trình ý kiến của đại biểu. (Ảnh: Phương Thảo)

       Ngoài ra, các ý kiến khác của đại biểu tại phiên giải trình cũng đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan ghi nhận và giải trình thỏa đáng.

       Phát biểu bế mạc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác điều hành, lãnh đạo, kiểm tra các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, cụ thể trong việc thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. UBND tỉnh cần có chương trình, đề án dài hạn phát triển toàn diện ngành dừa của tỉnh để huy động nguồn lực, tập trung phát triển, tạo giống dừa chuẩn, chất lượng đủ quy cách, áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc vườn dừa để đạt chuẩn xuất khẩu nhất là dừa tươi. Các sở, ngành chức năng tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030. Xây dựng thêm nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất sạch và đạt tiêu chuẩn hữu cơ đảm bảo đồng nhất về chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là các HTX về dừa. Bên cạnh đó, tiếp tục khảo sát đánh giá nhu cầu liên kết các HTX hướng đến  thành lập Liên hiệp HTX gắn với chuỗi giá trị dừa có quy mô lớn góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng kinh tế nông nghiệp xanh, tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, kết nối chặt chẽ giữa: nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, thông qua HTX, THT, ngân hàng và doanh nghiệp. Nhân rộng mô hình vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu, chuyển đổi mạnh phương thức sản xuất dừa bằng phương pháp hoá học sang phương pháp sản xuất dừa hữu cơ... 

                                 Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu bế mạc. (Ảnh: Phương Thảo)

      Dừa là cây trồng truyền thống, cây công nghiệp chủ lực quốc gia và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng vùng dừa sản xuất hữu cơ tập trung với 20.401 ha chiếm 25,7% tổng diện tích dừa của tỉnh; trong đó, diện tích được chứng nhận sản xuất hữu cơ là 12.979ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Thông qua hoạt động giải trình giúp cho các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân có liên quan phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan về những mặt làm được; hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, từ đó đề xuất giải pháp để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch và hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa của tỉnh trong thời gian tới.
(Tác giả: Thanh Nhứt- Phương Thảo)