• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của ngành công thương

(Cập nhật: 21/06/2023)
Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, khó đoán định; tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; xung đột Nga - Ukraine, đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế thế giới, khu vực, lạm phát, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; biến đổi khí hậu, giá cả nông sản giảm sâu trong khi giá vật tư, hàng hoá công nghiệp tăng cao... Nhưng với khát vọng vươn lên và quyết tâm chính trị cao cùng sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cấp lãnh đạo, ngành công thương đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện Kế hoạch đạt những kết quả quan trọng.  Đến nay,  hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang dần phục hồi và có bước tăng trưởng khá.

Giá trị sản xuất CN-TTCN tỉnh ước thực hiện trong nửa đầu giai đoạn 2021-2025 đạt 88.200 tỷ đồng, tăng 54,1% so với cùng kỳ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5,63%/năm, đạt 37,69% mục tiêu kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.412 triệu USD, tăng 59,14% so với cùng kỳ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 6,75%/năm, đạt 34,12% so với mục tiêu kế hoạch. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng hàng thô và gia công. Chủ thể xuất khẩu không ngừng tăng lên, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; hiện tại đã có hơn 150 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đến cuối năm 2022, đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.131 triệu USD, tăng 25,54% so với cùng kỳ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 11,44%/năm, đạt 25,61% so với mục tiêu kế hoạch. Tình hình thương mại tăng trưởng khá; hàng hóa dồi dào, đa dạng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước thực hiện nửa nhiệm kỳ 141.894 tỷ đồng, tăng 58,11% so với cùng kỳ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 8,42%/năm, đạt 34,15% so mục tiêu Đại hội đề ra và tăng 58,11% so cùng kỳ. Từ đầu năm 2021 đến nay, không điều hòa tiết giảm điện trong cung cấp điện, thực hiện cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt của nhân dân và các sự kiện văn hóa, chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh.Tỉ lệ hộ sử dụng điện trong dân luôn ở mức cao, đạt 99,97%. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt khoảng 2,2% điện thương phẩm.

Trong kỳ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và  triển khai thưc hiện: Kế hoạch số 3707/KH-UBND thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030;  Kế hoạch số 3453/KH-UBND V/v Phát triển các cụm công nghiệp CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 407/QĐ-UBND thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến việc phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, củ thể: Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư các CCN trên địa bàn quản lý. Đến thời điểm báo cáo, có 09 CCN được thành lập, với tổng diện tích 329,3 ha, có 07 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 217,2 ha, đã cho thuê 81,39 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 37,48 % diện tích đất công nghiệp. Có 04 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 28 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.839 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.953 lao động, trong đó có 13/28 dự án đi vào hoạt động. Trong 04 CCN đang hoạt động thì có 03 CCN được đầu tư những hạ tầng cơ bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa trong CCN. Đồng thời, giai đoạn 2021- 2023 đã bố trí kinh phí 99.620 triệu đồng để đầu tư hạ tầng CCN.  Triển khai công tác khuyến công có trọng tâm, trọng điểm. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Giai đoạn 2021 – 2022, đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện 44 đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất và đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí hỗ trợ là 10,77 tỷ đồng, huy động 28,34 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.330 lao động tại địa phương. Năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia sẽ triển khai hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa, với kinh phí 2,598 tỷ đồng và từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn, với kinh phí 4,025 tỷ đồng. Đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU và Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy; Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 19 dự án điện gió được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại có 09/19 dự án điện gió đã và đang triển khai thi công lắp đặt hoàn thành với công suất là 366,5/366,5 MW, trong đó có 05 nhà máy đóng điện vận hành thương mại là 93,05/366,5MW, số còn lại 273,45 MW đã hoàn chỉnh công tác lắp đặt và đang thực hiện các thủ tục đàm phán giá bán điện mới để hòa lưới. Còn 10/19 dự án còn lại đang triển khai các thủ tục pháp lý chưa triển khai thi công ngoài công trường.

 
Tình hình thương mại tăng trưởng khá; hàng hóa dồi dào, đa dạng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, loại hình thương mại điện tử phát triển khá mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân trong tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực thương mại, dịch vụ. Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025;  Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP). Kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tình hình hoạt động của các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tình hình xuất nhập khẩu của các nước. Thực hiện Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Cụ thể hóa thành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử hàng năm để triển khai thực hiện. Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp được thực hiện đa dạng, bằng nhiều hình thức và nội dung trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Hạ tầng thương mại: Hệ thống chợ, siêu thị được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 171 chợ truyền thống (trong đó có 154 chợ trong quy hoạch, 17 chợ còn lại là chợ tạm); có 31 chợ do doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý; 04 siêu thị, 02 trung tâm thương mại, 54 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 07 cửa hàng Wimart,… và hơn 63.000 cửa hàng bán lẻ quy mô hộ gia đình.  Hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ và gắn kết sản xuất với thị trường; các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực; nhiều đơn hàng, hợp đồng đã được ký kết, tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh,… và mở ra hướng kết nối giao thương giữa doanh nghiệp địa phương với các nhà nhập khẩu lớn, tạo hiệu quả lan tỏa, tăngđộng lực, phấn khởi mới cho các doanh nghiệp trong công tác thâm nhập, phát triển thị trường.
 
Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:  Tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 3453/KH-UBND Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025;  tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị, tiến hành hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước. Phối hợp các sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ nhu cầu của nhân dân; hướng dẫn để các địa phương hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh, phát triển thương mại vùng sâu, vùng xa. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các quy định về quản lý xuất nhập khẩu; tập trung hình thành các mối liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập nhanh và phát triển hiệu quả hơn; tăng cường liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh để phát huy sức mạnh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đẩy mạnh và đổi mới phương thức thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế  quốc  tế; hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn thị trường, các điều kiện nhập khẩu của các nước cho các sản phẩm của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường.Tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đến 2030. Cập nhật và thông tin kịp thời tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của các thị trường nước ngoài đến các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các đại sứ, tham tán thương mại, đại diện Đại sứ quán các nước để hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh liên kết, mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh đến với thị trường các quốc gia trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TMĐT đến doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, chú trọng các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP; khai thác có hiệu quả Sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre” để cung cấp các giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng, giao dịch TMĐT, ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, các biện pháp an toàn thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phân phối nông sản của tỉnh.Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải; theo dõi, phối hợp với địa phương và các sở, ngành có liên quan đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện các thủ tục liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo nhằm tạo bước đột phá cho tỉnh nhà; hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình vận hành nhà máy./.
Tin: Thụy – P.KHTCTH