• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - NGÀNH CÔNG THƯƠNG  TỈNH BẾN TRE TRONG NĂM 2022
Ông Lê Minh Quang - phó cục trưởng Cục Thống kê Bến Tre chủ trì cuộc họp Thông cáo báo chí về Tình hình KTXH năm 2022 (Nguồn: Thụy – P.KHTCTH)

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH BẾN TRE TRONG NĂM 2022

(Cập nhật: 04/01/2023)
Theo đánh giá của Ông Lê Minh Quang- Phó Cục trưởng Cục Thống kê Bến Tre tại buổi họp thông cáo báo chí tổ chức vào chiều ngày 29/12/2022 tại Hội trường Cục Thống kê, Phường an Hội, Thành phố Bến Tre thì tăng trưởng của ngành công thương trong năm đã đóng góp khá lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất phức tạp, cụ thể: Xung đột Nga-Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu… Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết. Ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý; phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra. Ngành công thương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để ổn định và phát triển ngành. Kết quả cụ thể ở một số lĩnh vực cụ thể như sau:
 

Năm 2022 GRDP ước tăng 7,33% so cùng kỳ năm trước, trong đó:

- Khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ phục hồi khá tốt sau đợt dịch COVID-19, cụ thể ở khu công nghiệp xây dựng đạt mức tăng trưởng tăng 12,72%,đóng góp 2,5 điểm phần trăm trong tổng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, riêng ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 15,97%, đóng góp 2,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 9%, đóng góp 3,63 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 3,27%, đóng góp 1,19 điểm phần trăm. Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành đạt 63.585 tỷ đồng, trong đó khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 35,37%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 20,58%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,42%.

- Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã có bước phục hồi tốt mặc dù còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid. Hoạt động sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp được duy trì. Các doanh nghiệp, cơ sở tập trung gia tăng sản xuất. Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16,08%, cụ thể: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp khai khoáng tăng 23,69% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,26% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 17,15% cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,61% so cùng kỳ năm trước.

 

- Hoạt động kinh tế tư nhân phục hồi khá tốt sau đợt dịch bùng phát. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2022 đạt rất nhiều kết quả khả quan, số lượng doanh nghiệp tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: có 568 doanh nghiệp và 451 đơn vị trực thuộc thành lập mới với vốn đăng ký 4.842,4 tỷ đồng, so với năm trước số lượng doanh nghiệp tăng 36,54%.

- Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra nhộn nhịp, đa số các tháng trong năm và các tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng phát sinh tăng, cộng thêm tình hình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh diễn ra rầm rộ, chương trình khuyến mãi được thực hiện theo chỉ đạo Bộ Công thương về việc tổ chức Tháng Khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2022, theo đó Sở Công Thương tỉnh khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp tăng cường triển khai thực hiện các chương trình khuyến mãi với các hình thức đa dạng, đẩy mạnh giảm giá; thực hiện đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, cần quản lý tốt chất lượng và giá cả hàng hóa khuyến mãi, không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp, nguồn cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 57.036 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ và đạt 101,85% kế hoạch.

- Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được duy trì, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính. Ngày 28/11/2022, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường Mỹ, đây là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ, sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Trong 7 sản phẩm cây ăn trái của Việt Nam được xuất sang thị trường Hoa Kỳ thì Bến Tre có ba sản phẩm gồm bưởi, nhãn, chôm chôm. Trước sự kiện lô bưởi đầu tiên được xuất sang Mỹ, tỉnh đã có những hướng dẫn cụ thể cho người trồng bưởi theo hướng chuyên sâu, hướng đến xuất khẩu sản phẩm chủ lực ở thị trường xuất khẩu tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.510 triệu USD, tăng 19,69% so cùng kỳ và đạt 100,64% kế hoạch.

Nhìn chung, trong năm 2022 kinh tế - xã hội của tỉnh đã có chuyển biến rất tích cực. Hoạt động kinh tế trở nên nhộn nhịp trở lại và đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ: Khu vực dịch vụ phục hồi và tăng trưởng khá so cùng kỳ; hoạt động du lịch, vận tải khách và hàng hóa đã phục hồi hoạt động trở lại; các khu/cụm công nghiệp được duy trì gắn với thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so cùng kỳ; hầu hết các doanh nghiệp đã cơ bản ổn định sản xuất.


Bên cạnh các kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2022 còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Giá một số mặt hàng nông sản giảm so cùng kỳ, nhất là giá dừa khô giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào, giá vật tư, nguyên liệu, phân bón,... tăng cao nên người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, giảm thu nhập, không tái sản xuất;  một số công trình trọng điểm của tỉnh còn vướng công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cho phù hợp với khả năng triển khai thực tế; quá trình triển khai một số công trình, dự án còn gặp khó khăn. Để đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2023 thì các ngành, các cấp cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm được chế biến sâu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng các tiêu chuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường như thương hiệu, mã số vùng trồng, các tiêu chuẩn về chất lượng của thị trường nước ngoài./.
Nguồn: Thụy – P.KHTCTH