• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tạo đột phá mới trong cải cách kiểm tra chuyên ngành
Họp báo công bố Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Tạo đột phá mới trong cải cách kiểm tra chuyên ngành

(Cập nhật: 25/09/2020)
Tại cuộc họp báo công bố Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành mới)”, diễn ra ở Hà Nội, ngày 24/9/2020, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho cho biết: Ngành Hải quan sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến phản hồi từ các bên liên quan để khi Thủ tướng phê duyệt sẽ triển khai hiệu quả đề án vào thực tiễn, tạo bước đột phá mới trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành.
 


Cải cách kiểm tra chuyên ngành còn chậm

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/12/2019, vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng thuộc diện điều chỉnh của các chính sách, qui định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Việc cắt giảm 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018-2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành thực hiện mới giảm được 15,2% (cắt giảm 12.600 mặt hàng/tổng số 82.698 mặt hàng).

Kiểm tra chuyên ngành đến nay mỗi loại hình kiểm tra lại có trình thự, thủ tục khác nhau, khi triển khai thiếu tính thống nhất giữa các Bộ, ngành, thiếu sự thống nhất giữa luật và nghị định hướng dẫn. Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức… Đến nay, vẫn còn tồn tại những qui định quá mức cần thiết như áp dụng kiểm tra đối với từng lô hàng của từng chủ hàng; một số hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn vẫn thuộc diện kiểm tra trước, thông quan sau như thang máy, cẩn cẩu… Nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đã được áp dụng, nhưng chưa đầy đủ, chưa thực chất, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp, chỉ khoảng 0,03%.

Chính vì vậy, kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp, là một nguyên nhân khiến thời gian thông quan hàng hóa chưa được cải thiện nhiều theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.

Tạo bước đột phá mới

Tại Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 31/11/2019, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng Đề án Cải cách kiểm tra chuyên ngành mới theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Ngày 16/9/2020, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Mục tiêu hướng tới là cải cách căn bản, toàn diện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí và đẩy nhanh thông quan hàng hóa; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bảo vệ an toàn cộng đồng và người tiêu dùng.

Tại đề án, Bộ Tài chính đã đề xuất giao cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm) cho tất cả các lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro; đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan…

Theo đề án nêu trên, đối với kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp sẽ giảm được 3 bước thực hiện thủ tục so với hiện hành; đối với kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cũng sẽ giảm được 2 bước thủ tục. Theo đánh giá của Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do USAID hỗ trợ), nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt và thực hiện, số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ cắt giảm từ 158.424 tờ khai (năm 2019), xuống còn 72.258 tờ khai/năm (giảm khoảng 54%); tổng số thời gian kiểm tra tính theo ngày/năm sẽ giảm từ 3.965.394 xuống còn 1.481.356 ngày; tiết kiệm được cho cộng đồng doanh nghiệp 881 tỷ đồng (tương đương 37,8 triệu USD) và tiết kiệm được cho nền kinh tế khoảng 9.285 tỷ đồng/năm (tương đương 399 triệu USD)…
 

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Việt Nam rất quan tâm đến cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành và hoàn toàn nhất trí với các nội dung đề án đã được Tổng cục Hải quan xây dựng, mong muốn sẽ sớm được Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đại diện Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho biết: Trong quá trình tham gia góp ý xây dựng đề án, Ban 4 đánh giá cao sự cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ phía doanh nghiệp của cơ quan soạn thảo (Tổng cục hải quan) trên tinh thần đảm bảo mục tiêu cải cách phục vụ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện Ban 4 cũng cho rằng, đây là một đề án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành, khối lượng công việc rất lớn, nên khi triển khai vào thực tiễn sẽ có nhiều thách thức, Tổng cục Hải quan cần phải nỗ lực rất lớn nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn mới có thể thực hiện hiệu quả.

Mặc dù còn có những ý kiến băn khoăn về đề xuất giao nhiệm vụ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu về một đầu mối là cơ quan hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Ngành hải quan nhận thức rất rõ nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao, sẽ luôn tiếp tục luôn luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu kể cả những ý kiến phản biện trái chiều, phản ánh những vấn đề hạn chế có liên quan để khắc phục, triển khai thực hiện đề án tốt nhất, trách nhiệm cao nhất, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm, nhưng vẫn phải tạo được thuận lợi cho thương mại, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo ra bước đột phá mới về cải cách kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nguồn: Congthuong.vn