• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Sự cần thiết phải thực hiện chuyển đổi số
Quan hệ giữa cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và AI.

Sự cần thiết phải thực hiện chuyển đổi số

(Cập nhật: 09/06/2021)

BDK - Ba cuộc cách mạng công nghiệp: cơ giới hóa, điện khí hóa và tự động hóa là những dấu mốc quan trọng đánh dấu những bước phát triển lớn về kinh tế - xã hội của nhân loại. Hiện nay, toàn thế giới đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng về số hóa. Công nghệ số đang làm thay đổi căn bản kinh tế - xã hội.


Thay đổi tổng thể và toàn diện

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2019), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số (CĐS) làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra; thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. CĐS cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế - xã hội định hình nó.

Theo tài liệu hỏi đáp về CĐS của Bộ TT&TT, CĐS được định nghĩa là: “Quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số”. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: “CĐS đơn giản là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số”.

Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về thực hiện CĐS xác định, CĐS là tái định hình tổng thể và toàn diện cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi thực hiện được CĐS, chính quyền sẽ nâng cao được hiệu quả, hiệu lực; nền kinh tế sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh; xã hội sẽ thu hẹp được khoảng cách số, nhân văn và tốt đẹp hơn.

CĐS nhằm hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương.

CĐS đang tác động ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu: thay lao động chân tay bằng tự động hóa; thay vốn bằng tri thức và dữ liệu; thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp; thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội. CĐS là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược.

Những vấn đề cần chú trọng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh những vấn đề quan trọng trong CĐS. Trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành CĐS ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia.

Người dân là trung tâm của CĐS. Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia.

Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên CĐS trước, gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Thể chế và công nghệ là động lực của CĐS. Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách, nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp CĐS; đi từ ứng dụng đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi. Từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để CĐS thành công và bền vững. Đồng thời, phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS.

Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát triển Việt Nam trở thành một quốc gia số với mục tiêu liên quan chặt chẽ với nhau: một Chính phủ số, một nền kinh tế số và một xã hội số. Tháng 10-2020, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn: Baodongkhoi.vn