• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Sở Công thương Bến Tre tham dự Hội nghị triển khai Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí Thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"
Quang cảnh Hội thảo (Nguồn: Nhi – P.KTATMT)

Sở Công thương Bến Tre tham dự Hội nghị triển khai Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí Thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"

(Cập nhật: 12/07/2023)
Vào ngày 05/7/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Triển khai Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Xã hội – Quốc hội, Vụ Tổng hợp – Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ Khoa giáo Văn xã – Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Về phía địa phương, Hội thảo có sự tham gia của Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phía Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã có những kết quả đáng khích lệ.

Qua đó cho thấy, an ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài nó còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Bảo đảm tốt an ninh, an toàn thực phẩm sẽ góp phần làm tăng nguồn lực con người, làm phát triển kinh tế xã hội của quốc gia; đồng thời bảo đảm mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận được với ATTP từ những thực phẩm sẳn có.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 3191/KH-UBND ngày 01/6/2023, bao gồm:

1. Triển khai có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý;

2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, đặc biệt là các cơ sở, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản xuất thực phẩm phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm;

3. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý về an toàn thực phẩm;

4. Rà soát, đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm tại hệ thống các chợ, hệ thống phân phối thực phẩm hoặc các làng nghề tham gia sản xuất thực phẩm;

5. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế trong công tác kiểm tra, giám sát các loại thực phẩm đang lưu thông trên thị trường tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác…

Nhằm triển khai một cách hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trên, Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch số 175/KH-SCT ngày 02/2/2023 về việc đảm bảo an toàn thực phẩm ngành Công thương năm 2023 với nhiều kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, cụ thể:

- Công tác tuyên truyền: Tổ chức 08 lớp tuyên truyền tập huấn công tác an toàn thực phẩm cho hơn 322 cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm ngành công thương; tổ chức 18 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho 18 xã xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh, với hơn 823 học viên tham dự; soạn thảo và phát hành 6000 tờ rơi về ATTP với nội dung tuyên truyền “Những vấn đề cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu thủ công, kinh doanh rượu nhỏ lẻ”.

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh gồm Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh 02 đợt thanh kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân, tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023. Tham gia thẩm định tiêu chí 17.10; 18.4 và tiêu chí số 7 cho các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.

- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm: hiện nay, đã cấp 26 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiếp nhận hơn 158 bản công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thuộc trách nhiệm ngành công thương.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung vào các nội dung cụ thể như sau:

- Triển khai kiểm tra định kỳ an toàn thực phẩm ngành công thương tại các cơ sở sản xuất thực phẩm ngành công thương.

- Tổ chức lớp tập huấn truyên tuyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm ngành công thương.

- Thực hiện thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi phát sinh hồ sơ theo nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra đánh giá tiêu chí 17 về môi trường và ATTP; thực hiện kiểm tra đánh giá công nhận tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng nông thôn thương mại (tiêu chí Chợ) trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, xác định 04 giải pháp lâu dài là:

- Về văn bản quy định, chính sách: hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh và với các quy định hiện hành. Có chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm của địa phương liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp triển khai giám sát đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp quản lý; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm các cơ quan địa phương, xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

- Về công tác cán bộ: tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực, tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng thống nhất thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh tới cấp xã. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm phải có cơ cấu hợp lý, sắp xếp, bố trí lại số biên chế hiện có và bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể tại các sở, ngành chức năng và địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã phải được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu khác đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong thanh tra, kiểm tra, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất cấm trong các khâu từ nguyên liệu đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tin, ảnh: Nhi – P.KTATMT