• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kết quả triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020  theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ  trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Kết quả triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 28/08/2020)
Ngày 18/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nhằm thu hút, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiến tới thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu, phục vụ tốt cho ngành công nghiệp, tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Nhìn chung, qua thời gian triển khai thực hiện Đề án, các Sở ngành, các huyện, thành phố đã cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ được phân công, chủ động lồng ghép các nội dung ưu tiên kêu gọi đầu tư cũng như đề xuất các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ vào kế hoạch hàng năm của ngành, địa phương, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 – 2020, được sự phối hợp tích cực cũng như triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung chính của Chương trình: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và phụ liệu, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 16,695 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí khoa học và công nghệ, khuyến công,...)

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình vẫn còn nhiều hạn chế: Mặc dù có tăng cường công tác kêu gọi đầu tư nhưng tình hình đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ những năm qua không nhiều; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ chưa nhiều, chưa đạt hiệu quả cao; Kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng kịp nhu cầu xã hội, thực tiễn đặt ra; Năng lực tiếp nhận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp, hộ nông dân và các tổ chức sự nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế; Doanh nghiệp chưa tham gia nghiên cứu, ứng dụng, triển khai,… Nguyên nhân là do tỉnh thiếu vốn để giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch nhằm tạo quỹ đất sạch để giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung; Số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp này trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên chưa quan tâm đến việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng hay đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất. Mặt khác, sự lựa chọn và thích nghi công nghệ mới, tiên tiến thường có chi phí lớn, khả năng doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận.

Trong thời gian tới, để phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng cao, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chủ yếu:

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt – may, da – giày: Nội địa hóa một số sản phẩm phụ trợ ngành dệt – may để thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao tính chủ động trong sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu để phát triển nhanh sản xuất. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt – may: Công nghiệp sản xuất thiết bị và phụ tùng cơ khí phục vụ ngành dệt – may; Phát triển ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt – may: chỉ, nút, dây khóa, nhãn mác, bao bì,... phục vụ nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận; Ngành da – giày: tập trung kêu gọi phát triển sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày bao gồm: đế giày, dây giày, da thuộc; vải giả da; chỉ may giày, bao bì... nhưng phải chọn lọc các dự án sạch, không ô nhiễm môi trường, nhằm giảm số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu, tăng tiêu thụ nguyên phụ liệu trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Công nghiệp hỗ trợ điện tử - tin học: Sản xuất thiết bị cho các ngành khác, nhất là các cơ phận tự động hóa cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ mới. Tạo môi trường và điều kiện chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất thông qua hợp tác sản xuất giữa các công ty, các tập đoàn sản xuất đa quốc gia với các doanh nghiệp sản xuất trong nước và kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành tin học.

Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo: tập trung vào sản xuất, chế tạo các phụ tùng, sửa chữa các máy móc thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến và các khu, cụm công nghiệp. Tập trung củng cố và kêu gọi đầu tư phát triển đồng bộ ngành công nghiệp cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu cá.

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô: Tập trung phát triển các sản phẩm mà dự án đã đầu tư vào khu công nghiệp: sản xuất kính ô tô, linh kiện trong hộp số xe ô tô, sản xuất bộ dây dẫn điện cho xe có động cơ. Đồng thời, liên kết với các công ty, nhà máy tại thành phố HCM, Cần Thơ phát triển thêm ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe máy. Bước đầu sẽ cung cấp cho các công ty mẹ, xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Sau sẽ nâng dần tỷ trọng sản phẩm cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô, xe máy trong nước.

Ngành công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm: Tập trung phát triển đa dạng mẫu mã các sản phẩm bao bì, tiến hành nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có. Đồng thời, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất bao bì phục vụ cho toàn bộ nhu cầu bao bì cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Dự kiến kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025 khoảng: 17,350 tỷ đồng, trong đó: Chủ yếu lồng phép vào các nguồn vốn ngân sách từ chương trình xúc tiến đầu tư, khoa học và công nghệ của tỉnh, nguồn khuyến công, xúc tiến thương mại,... và nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của trung ương để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng huy động từ các nguồn vốn khác: Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Khuyến khích việc huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để triển khai các nội dung của Chương trình.
                                                                           
               Nguồn: QLCN-SCT