• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đảng ủy Sở Công Thương tổ chức quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Đảng viên Đảng bộ SCT dự quán triệt Nghị quyết. (Nguồn: P.QLTM – SCT)

Đảng ủy Sở Công Thương tổ chức quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(Cập nhật: 31/08/2022)
Ngày 29/8/2022, đồng chí Trần Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh triển khai, báo cáo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Đảng ủy Sở Công Thương.

Tham dự buổi học tập quán triệt, có đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Đảng ủy viên - Phó Giám đốc Sở Công Thương cùng với các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ Sở, đảng viên các chi bộ trực thuộc (chi bộ Tổng hợp, chi bộ Nghiệp vụ, chi bộ Sự nghiệp) và quần chúng theo Kế hoạch số 227-KH/ĐU ngày 28/7/2022 của Đảng ủy Sở Công Thương.

Nhằm giúp cấp ủy chi bộ trực thuộc, cán bộ, đảng viên Sở Công Thương nắm vững những nội dung cơ bản và những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá thực hiện tại cơ quan. Tại buổi quán triệt, đảng viên trong Đảng bộ và quần chúng của Sở Công Thương được nghe đồng chí Trần Văn Phương triển khai các nội dung, cụ thể:

- Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả. Nghị quyết số 18-NQ/TW  nêu 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó yêu cầu đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất: tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị lớn; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đất thu hồi từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các loại đất được sử dụng đa mục đích; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

- Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh... Nghị quyết hướng tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

- Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nghị quyết cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp để các Bộ, ngành địa phương các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
- Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/022 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết nhấn mạnh tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 21 hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu: Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Trong đó, nội dung “Coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện Điều lệ Đảng, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ công tác, trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm...”; “Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cơ sở về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kịp thời xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”.

Theo hướng dẫn của Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh tại Kế hoạch số 93-KH/ĐUK ngày 26/7/2022 về Triển khai, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Sau khi được triển khai, quán triệt, Đảng ủy căn cứ vào tình hình thực tế tại cơ quan xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các Nghị quyết cho phù hợp. Thời gian hoàn thành trong tháng 9/2022. Định kỳ 2 năm, 3 năm, 5 năm sơ kết, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết đã đề ra.

Cũng theo Kế hoạch số 227-KH/ĐU của Đảng ủy Sở Công Thương, song song với việc cụ thể hóa, Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ rà soát, bổ sung chương trình kiểm tra, giám sát việc cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện nhận thức lệch lạc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết./.
Nguồn: P.QLTM – SCT

Tin liên quan