• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bộ Công Thương đề xuất giải pháp gỡ khó cho ngành công nghiệp chủ lực
Cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực bảo đảm hoạt động sản xuất,kinh doanh

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp gỡ khó cho ngành công nghiệp chủ lực

(Cập nhật: 06/04/2020)
Bộ Công Thương cho biết, do tác động của dịch Covid-19, các chỉ số kinh tế của ngành công nghiệp trong quý I/2020 đều giảm đáng kể. Những ngành chủ lực hiện nay của Việt Nam như: Điện tử; dệt may; da giày; đồ gỗ ...đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các giải pháp trọng tâm để gỡ khó cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã được Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ.

4 ngành gặp khó

Báo cáo đánh giá tác động Covid-19 được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của các ngành công nghiệp chủ lực. Cụ thể, dệt may, da -giày là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, tại thời điểm này tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu, do đó, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường

Mỹ và châu Âu trong bối cảnh phong tỏa bởi dịch bệnh đối với các ngành này sẽ tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm”- báo cáo chỉ ra.

Trong khi đó, việc chuyển hướng vào thị trường nội địa cũng gặp nhiều vướng mắc vì đa số doanh nghiệp Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài, do đó các mẫu mã, nguyên liệu sử dụng nhằm để đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, không phải cho thị trường trong nước. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do các biện pháp phòng dịch cũng như tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.

Tương tự các ngành dệt may và da - giày, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Trên thực tế, thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện; và lần lượt khoảng 17% và 14% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam. Theo đó, 2 thị trường này chiếm khoảng hơn 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm của Samsung Electronics Việt Nam (với thị trường Mỹ chiếm khoảng trên 20% và thị trường châu Âu chiếm khoảng trên 30%). Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

Bên cạnh đó, việc sụt giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm điện tử trên thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cũng như ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các đơn hàng dài hạn, đơn hàng mới trong thời gian tới sẽ rất ít do nhu cầu mua sắm hàng điện tử sụt giảm bởi các biện pháp kiểm dịch.

Đối với ngành sản xuất đồ gỗ, không nằm ngoài tình trạng trên, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu, do thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Theo thông tin từ Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ, một phần là nhờ các đơn hàng của năm 2019 của các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, có thể từ 3 - 6 tháng tới, giá trị xuất khẩu chung sẽ giảm đáng kể bởi tác động của dịch Covid-19, do một số mặt hàng xuất khẩu có sự biến động mạnh.

Nếu tình hình không được cải thiện, sau 1 - 2 tuần tới, doanh nghiệp ngành gỗ dự kiến sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Sau khoảng 3 - 4 tuần tới, hầu hết các doanh nghiệp sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ nội địa chỉ có thể sản xuất cầm chừng, khoảng 10-15% công suất nhà máy.

Ưu tiên các giải pháp trọng tâm

Theo Bộ Công Thương, uu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, bởi việc để một doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn sẽ phá huỷ việc làm và tạo ra hiệu ứng lan toả tiêu cực đối với các doanh nghiệp khác dọc theo chuỗi cung ứng.

Do đó, trong thời gian tới, cần phải quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản: Đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước. Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngoài ra, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Để gỡ bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị: Với ngành dệt may, da giày, cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp Thuế VAT đến hết Quý IV/2020; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh…

Đáng chú ý, Bộ cũng đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ về Thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da – giày, bố trí dự toán ngân sách để trình Quốc hội thông qua.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng.

Để cân đối nguồn thu ngân sách bảo đảm thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp”- báo cáo nêu rõ.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, tập trung hỗ trợ hơn nữa trong việc giảm thời gian, chi phí thông quan cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo tiến độ sản xuất, kinh doanh – đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, ô tô, dệt may, da - giày...
 
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử