• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Sự cần thiết của Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn sau năm 2020
Ảnh minh hoạ ( Nguồn: Internet)

Sự cần thiết của Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn sau năm 2020

(Cập nhật: 04/05/2020)
Thời gian qua việc đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN) gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, các CCN phục vụ di dời, giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu dân cư, vùng nông thôn. Vì vậy, Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN là hết sức cần thiết.

Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, CCN, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có cơ chế Ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cơ chế này đang dần bộc lộ hạn chế, bất cập như: (i) Chỉ có 41 địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ mỗi địa phương 01 CCN với mức không quá 50 tỷ đồng; trong khi đó, các địa phương có nhiều CCN phục vụ di dời, giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, khu dân cư, vùng nông thôn và các CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng rất cần sự hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chung, đặc biệt là công trình xử lý nước thải; (ii) Cơ chế này chỉ quy định chung về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn NSTW hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, không được quản lý chặt chẽ trong một Chương trình cụ thể, do một cơ quan đầu mối quản lý về CCN chịu trách nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện; (iii) Thời gian thực hiện trong giai đoạn đến năm 2020.


Vì vậy, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn sau năm 2020 nhằm khắc phục bất cập của cơ chế NSTW hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN giai đoạn 2016-2020; đồng thời hoàn thiện quy định pháp lý để các cơ quan quản lý về CCN (ở Trung ương là Bộ Công Thương, ở địa phương là Sở Công Thương) định kỳ từng giai đoạn chủ động rà soát, xác định nhu cầu, mục tiêu để kịp thời đề xuất, tổ chức thực hiện Chương trình có hiệu quả sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian, đối tượng, nội dung hỗ trợ cụ thể của Chương trình không trùng với thời gian, đối tượng, nội dung hỗ trợ của cơ chế NSTW hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 2016 - 2020.


Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương, trong đó có các địa phương không thuộc đối tượng hỗ trợ của Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg (như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ,…) đã tự cân đối ngân sách nhưng không có cơ sở pháp lý hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN phục vụ di dời, giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu dân cư, vùng nông thôn. Nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Chính phủ quy định về cơ chế ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.


Với những lý do trên, việc đề xuất, quy định Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn sau năm 2020 là hết sức cần thiết. Mục tiêu của Chương trình nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật các CCN phục vụ di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị; các CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và địa bàn không có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Bộ Công Thương (cơ quan đầu mối quản lý CCN ở Trung ương) có trách nhiệm chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn sau năm 2020 do Ngân sách Trung ương đảm bảo. Sở Công Thương (cơ quan đầu mối quản lý CCN ở địa phương) có trách nhiệm chủ trì xây dựng, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN do Ngân sách địa phương đảm bảo, phù hợp với điều kiện của địa phương.


Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đã kiến nghị, đang báo cáo giải trình Chính phủ để xem xét, ký ban hành Nghị định về quản lý, phát triển CCN, trong đó có quy định Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn sau năm 2020.

Nguồn: arit.gov.vn