• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Xuất khẩu trái bưởi: Những tín hiệu lạc quan

(Cập nhật: 07/12/2022)
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu - doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu và Công ty phân phối thực phẩm L&T (L&T Food distributor) - doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tại Hoa Kỳ - thì hiện nay, lô bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ đã được bày bán trên kệ thực phẩm của các siêu thị và các shop trái cây ở một số bang miền Đông nước Mỹ. Trái bưởi da xanh được chào đón nồng nhiệt từ phía người tiêu dùng Việt Nam ở Mỹ mặc dù giá cả cao hơn so với bưởi nội địa và bưởi nhập khẩu từ Trung Quốc bởi chất lượng vượt trội.


Có thể nhận ra một số tín hiệu lạc quan từ sự khởi đầu rất ấn tượng này.

Trước hết, việc trái bưởi cùng với 6 loại trái cây Việt Nam trước đó vào được thị trường Hoa Kỳ - một thị trường lớn nhưng thuộc loại khó tính nhất nhì trên thế giới, là một tín hiệu vui cho nông nghiệp Việt Nam nói chung, nhà vườn Bến Tre nói riêng.

Thứ hai, khẳng định chủ trương xây dựng chuỗi giá trị cây bưởi, xây dựng chỉ dẫn địa lý bưởi da xanh Bến Tre để từ đó doanh nghiệp và nông dân liên kết xây dựng vùng trồng là một chủ trương kịp thời, đúng đắn.

thứ ba, nếu “4 nhà” tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu giữ gìn và phát triển chuỗi giá trị bền vững; liên kết trên cơ sở chữ tín và chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và lòng tự hào dân tộc từ đầu vào (người nông dân) đến đầu ra (doanh nghiệp) thì chắc chắn, tương lai cây bưởi da xanh và thu nhập của người trồng bưởi sẽ tươi sáng hơn.

Thứ tư, cửa đã mở. Nhưng con đường phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Việc quan trọng nhất hiện nay là nhân rộng cho được mô hình liên kết và vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là điểm mấu chốt và cũng là điểm yếu nhất của chúng ta. Trong đó, yếu tố quyết định là sự thay đổi nhận thức và hành vi sản xuất của người nông dân.

Thứ năm, về mặt giá cả, theo thông tin của các nhà xuất nhập khẩu, giá bưởi da xanh bán lẻ tại các shop trái cây dao động từ 6,99 - 7,99 USD/1 pound (pound = 0,46kg) và giá niêm yết tại siêu thị là 14 USD/kg, quy ra tiền Việt Nam thì từ 350 - 500 ngàn đồng/kg. Như vậy, so với giá thu mua hiện nay tại nhà vườn (bình quân khoảng 35.000 ngàn đồng/kg loại 1), thì giá bán tại thị trường Hoa Kỳ cao hơn khoảng 10 lần. Chỉ cần thêm 1/10 khoảng chênh lệch thì giá bưởi tại nhà vườn sẽ tăng lên 70.000 đồng/kg. Có thể đây chưa phải là con số lý tưởng, thỏa mãn được tuyệt đại đa số người trồng bưởi, nhưng ít ra cũng tạo được một sự bứt phá nhất định về giá đầu vào, một trong những yếu tố quyết định để người nông dân tham gia duy trì chuỗi một cách hào hứng. Người nông dân không thể “vui vẻ giữ mãi chữ tín” khi phần giá trị tăng thêm không được phân phối lại một cách hợp tình, hợp lý.

Nhưng dù sao, đây cũng là một tín hiệu vui cho nhà vườn. Vấn đề còn lại là trách nhiệm, lương tâm của nhà phân phối và nghệ thuật sử dụng công cụ điều tiết lợi ích của nhà quản trị.

Xuất khẩu được trái bưởi da xanh là một bước tiến lớn, là công sức, tâm huyết, trí tuệ của “4 nhà”. Rất đáng trân trọng và cảm kích. Nhưng mọi thứ vẫn cũng chỉ là bước đầu. Chúng ta có quyền lạc quan, nhưng cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ nhiều phía theo tinh thần “muốn đi xa hơn thì phải đi cùng nhau”. Chỉ cần “một nhà” tụt lại phía sau thì chuỗi giá trị sẽ đứt gãy. Có thể bớt một chút lợi ích để đạt đến sự hài hòa. Đó là “chìa khóa” của sự bền vững chuỗi giá trị nông sản nói chung, trái bưởi nói riêng.

Nguồn: baodongkhoi.vn