• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình phát triển Thương mại điện tử Quý I,  định hướng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020
Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre (thứ 2 từ trái qua) cùng đại diện VECOM, TIKI, IMGROUP phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp phát triển TMĐT

Tình hình phát triển Thương mại điện tử Quý I, định hướng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020

(Cập nhật: 01/06/2020)
Theo thông tin từ Hiệp hội thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Trong Quý I/2020, TMĐT Việt Nam phát triển khá sôi động, tần suất mua hàng, giá trị giao dịch của cùng một khách hàng tăng lên đáng kể.  Lượt truy cập 4 sàn TMĐT lớn như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada trung bình đạt 4 triệu lượt /ngày, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình chung cả nước

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức mua hàng trực tuyến đã thể hiện được vai trò tiện ích và là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Số lượng khách hàng đặt mua các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, bảo vệ sức khỏe tăng vọt dẫn đến hiện tượng  “cháy hàng”. Tuy nhiên, do sự tác động của  dịch Covid-19 khiến nhiều sản phẩm khác chậm tiêu thụ, từ đó dẫn đến tổng doanh số bán hàng của các sàn TMĐT ít thay đổi so với Quý I/2019.

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, các hệ thống siêu thị truyền thống có mức doanh số bán hàng qua điện thoại hoặc đặt hàng trực tuyến tăng đột biến gấp 10 lần so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19, cá biệt có nhiều siêu thị có mức tăng trưởng bán hàng trực tuyến trong tháng 3 lên đến 200% so với tháng 2/2020[1].

Tình hình tại Bến Tre

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp

Hiệu ứng thành công của các doanh nghiệp tham gia chương trình “Ngày của làng Dừa năm 2019” đã lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp khác về vai trò, lợi ích của việc bán hàng trực tuyến. Từ đó có nhiều doanh nghiệp bắt đầu lập kế hoạch ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các Sở, ngành tỉnh đã nổ lực triển khai chuỗi các hoạt động hỗ trợ nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Trước đây, do chưa nắm bắt đầy đủ các quy định hành chính trong lĩnh vực TMĐT nên có một vài trường hợp bị Cục Quản lý thị trưởng tỉnh xử phạt vi phạm hành chính. Hiện nay, các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu, thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực TMĐT. Trong những tháng đầu năm 2020, với sự hướng dẫn của Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đúng các quy định pháp luật lĩnh vực TMĐT như “Thông báo” hoặc “Đăng ký” website với Bộ Công Thương.

Mặc dù nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp tại Bến Tre có sản phẩm bán trên các sàn TMĐT lại không phải là nhóm sản phẩm thiết yếu nên thị trường tiêu thụ không cao,  từ đó doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, do địa bàn đô thị nhỏ, khu dân cư phân tán nên khâu vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn như: Bộ phận giao hàng thường xuyên gặp khó khăn để gặp và giao hàng cho khách; Hàng hóa vận chuyển đến nơi chậm hơn bình thường, người mua hàng khó tính hoặc không hiểu tình hình khó khăn nên đánh giá bên bán hàng không tốt, làm ảnh hưởng uy tín của đơn vị trên các sàn TMĐT; Số lượng khách hàng đặt mua ảo không nhận hàng tăng trong mùa dịch;…

Riêng các doanh nghiệp bán lẻ như siêu thị coopmart, hệ thống cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh, Vinmart+  bán hàng qua các ứng dụng của đơn vị, qua điện thoại, email, zalo có mức tăng trưởng tốt (chỉ tính riêng kênh bán hàng này). 

Tình hình mua sắm của người tiêu dùng

Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVD-19, người tiêu dùng mua sắm thông qua các sàn TMĐT, web và  mạng xã hội (zalo, facebook,... ) có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Sản phẩm ngoài thực tế khác xa hình ảnh trên mạng; liên lạc nhà cung cấp để đổi trả hoặc bảo hành sản phẩm thì cũng gặp khó khăn; thanh toán trực tuyến không đảm bảo an toàn; gặp khó khăn trong việc nhận biết web bán hàng hợp pháp hay giả;…

Đánh giá thuận lợi và khó khăn phát triển Thương mại điện tử tỉnh Bến Tre

Thuận lợi

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre luôn quan tâm, định hướng, theo dõi, chỉ đạo triển khai các chương trình phát triển TMĐT thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển tốt cho ngành TMĐT tỉnh Bến Tre.

Tỉnh Bến Tre đã hình thành và phát triển được hệ sinh thái TMĐT, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các ứng dụng TMĐT. Hiệp hội TMĐT Việt Nam cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp TMĐT có mối quan hệ gắn kết với Bến Tre, đã đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp Bến Tre trong quá trình ứng dụng, phát triển TMĐT.

Doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò, lợi ích của việc phát triển TMĐT. Qua quá trình triển khai “Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, một số doanh nghiệp đã ứng dụng tốt TMĐT vào sản xuất kinh doanh, đa số còn lại đã có kế hoạch ứng dụng TMĐT.

Khó khăn

Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chưa sẵn sàng đầu tư ứng dụng TMĐT. Các doanh nghiệp này ngoài việc bị hạn chế tài chính thì còn thiếu trang thiết bị, nhân sự triển khai ứng dụng TMĐT. Đặc biệt, vấn đề nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng TMĐT là điểm hạn chế lớn và cần có quá trình triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn liên tục.

Bến Tre vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chưa có chứng nhận, kiểm định chất lượng, bao bì còn hạn chế,... .Đây vẫn là những sản phẩm rất tiềm năng cần tiếp tục được sự quan tâm, hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp chưa chú ý đến việc ứng dụng TMĐT nên còn thờ ơ với những chương trình hỗ trợ. Doanh nghiệp chưa quan tâm tiếp cận, tham gia cập nhật kiến thức TMĐT, xu hướng kinh doanh trực tuyến, mặc dù Sở Công Thương thường xuyên tổ chức và gửi thư mời trực tiếp.

Hiện nay, có khá nhiều website bán hàng giả mạo, không được sự phê duyệt của cơ quan chức năng, hoạt động phi pháp, lừa đảo người tiêu dùng; Bán hàng không đạt chất lượng, chưa qua kiểm soát, không có xuất xứ rõ ràng,… .Về phía người tiêu dùng, do chưa cầm nắm, thấy và cảm nhận thực tế sản phẩm dẫn đến việc nhận sản phẩm xong không giống như ý nghĩ, cũng có trường hợp sản phẩm ngoài thực tế khác xa hình ảnh trên mạng; Việc liên lạc nhà cung cấp để đổi trả hoặc bảo hành sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn;… Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh rủi ro khi mua sắm các hàng hóa trực tuyến, Sở Công Thương đã chọn chủ đề hoạt động Bảo vệ người tiêu dùng năm 2020 là“Bảo vệ người tiêu dùng trong Thương mại điện tử” với các hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng những nội dung cần lưu ý khi mua sắm trực tuyến[2].
 
Nguồn: P.QLTM - SCT
 

[2] Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Sở Công Thương không tổ chức hội thảo về ”Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” mà thay vào đó, tổ chức tuyên truyền trực quan bằng xe lưu động các nội dung liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, góp phần giảm thiểu rủi ro lây nhiễm của dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh người dân phải thực hiện cách ly xã hội hiện nay.