• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bến Tre đầu tư nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2023
Tiểu thương tại chợ Hòa Nghĩa huyện Chợ Lách được trang bị quầy, sạp, biển thông tin và sắp xếp theo ngành hàng. (Nguồn: QLTM)

Bến Tre đầu tư nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2023

(Cập nhật: 19/12/2023)
Nhằm tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Từng bước xây dựng, hoàn thiện, duy trì các chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có kinh doanh thực phẩm đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ, các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với các tiêu chí quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng… Phát huy kết quả đạt được trong những năm trước, từ nguồn sự nghiệp năm 2023, Sở Công thương Bến Tre đã phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú, Chợ Lách tổ chức Nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Bến Tre hiện có 171 chợ, hầu hết các chợ đều phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lượng hàng hoá lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của nhân dân.

Qua khảo sát, đánh giá hoạt động kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn Thạnh Phú, Chợ Lách, Sở Công thương Bến Tre đã chọn chợ Bến Vinh (xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú) và chợ Hoà Nghĩa (xã Hoà Nghĩa, huyện Chợ Lách) để tổ chức thực hiện hỗ trợ trang thiết bị thuộc mô hình nhân rộng chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chợ có qui mô theo tiêu chuẩn chợ loại 2 và 3, hệ thống cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư, hoàn thiện. Tuy nhiên, do hoạt động lâu năm, nhiều quầy, sạp trong các chợ đã xuống cấp, một số tiểu thương bày bán hàng hoá chưa đẹp mắt, chưa đảm bảo về điều kiện an toàn thực phẩm; hay hệ thống đường nội bộ trong chợ còn hẹp, gây khó khăn cho tiểu thương trong việc di chuyển, mua bán hàng hoá, dễ lây nhiễm chéo… Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng còn gặp khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn các nguồn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống, rau củ quả do các tiểu thương phải nhập mối ở rất nhiều nơi. Trước thực tế trên, việc tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo lại các hạng mục theo mô hình chợ an toàn thực phẩm là rất cần thiết.

Lãnh đạo UBND xã Hoà Nghĩa và xã An Thạnh cho biết: Khi triển khai nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban, Tổ Quản lý các chợ Bến Vinh và Hoà Nghĩa đã tổ chức bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh thuận lợi cho việc kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm; Niêm yết sơ đồ chỉ dẫn phân khu của chợ tại cửa ra vào chính của chợ, nhằm tránh lây nhiễm chéo, được ngăn cách bởi đường đi có chiều rộng tối thiểu là 1,5 m. Tại các khu vực kinh doanh có biển hiệu thông báo như: Khu vực kinh doanh thuỷ hải sản; Khu vực kinh doanh rau, củ, quả; Khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống… Để đảm bảo ánh sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo bảo đảm dễ nhận biết, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng an toàn sản phẩm, việc trang bị thêm bóng đèn trong khu vực nhà lồng của chợ, tại các khu bán thực phẩm. Các chợ cũng có đội dọn vệ sinh, thu gom rác thải hàng ngày; Được trang bị thùng chứa rác thải có nắp đậy kín tại các nơi công cộng trong chợ… đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường. Các cơ sở kinh doanh tại chợ cũng được trang bị biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh; họ và tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ của chủ cơ sở; Được hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ bày bán rau, củ, quả, thực phẩm hợp vệ sinh bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc cao cách sàn chợ ít nhất 60cm. Ngoài ra, các chợ còn được hỗ trợ Bảng Nội quy chợ niêm yết công khai; hỗ trợ Cân đối chứng… là rất cần thiết.

Cùng đó, việc chấp hành các chính sách pháp luật nhà nước quy định trong kinh doanh nói chung và về an toàn thực phẩm nói riêng được các tiểu thương thực hiện khá nghiêm túc, không để xảy ra các trường hợp vi phạm lớn, không có dịch bệnh phát sinh có nguồn gốc từ hàng thực phẩm kinh doanh tại chợ… Từ đó đã thu hút lượng khách hàng quen ổn định, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ thực phẩm an toàn…

Không chỉ khách hàng, mà Ban, Tổ Quản lý chợ, những tiểu thương kinh doanh tại các chợ Bến Vinh và Hoà Nghĩa cũng vô cùng phấn khởi khi chợ được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị bảo đảm kinh doanh an toàn thực phẩm, theo đó, nhiều tiểu thương cũng đã nghiêm túc và tự giác chấp hành các chính sách pháp luật nhà nước quy định trong kinh doanh nói chung và về an toàn thực phẩm nói riêng, từng bước xây dựng một mô hình chợ văn minh, hiện đại.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Trong những năm tiếp theo, Sở Công thương Bến Tre sẽ tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp việc thực hiện đánh giá chứng nhận chợ theo tiêu chuẩn TCVN 11856:2017 chợ kinh doanh thực phẩm, từng bước phát triển hạ tầng thương mại, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Giám đốc Sở Công Thương (bìa phải) thực hiện thủ tục bàn giao trang thiết bị chợ cho xã Hòa Nghĩa sử dụng và quản lý (Nguồn: QLTM)

Có thể thấy, từ mô hình thí điểm chợ an toàn vệ sinh thực phẩm Chợ cầu Móng xã Hương Mỹ được thực hiện từ năm 2020 và đến nay đã nhân rộng được 06 chợ, những kết quả khả quan từ việc nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, nâng cao chất lượng công tác quản lý của Ban Quản lý chợ, đảm bảo tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…

Đồng thời, việc xây dựng mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của chính quyền và người bán, mà còn là của cả cộng đồng. Sự hợp tác chặt chẽ và nhận thức cao về vấn đề này sẽ đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, từ đó tạo ra một môi trường sống lành mạnh và bền vững. Mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm được xem là xu hướng tất yếu để các chợ truyền thống có thể đủ sức cạnh tranh với các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đồng thời trở thành địa chỉ đáng tin cậy cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng./.
Tác giả: Mai – P.QLTM