• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2023
Khu dân cư Phường Phú Khương phát triển dịch vụ ban đêm

Kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2023

(Cập nhật: 25/01/2024)
Triển khai Quyết định số 3051/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của Ủy ban nhân dân về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030. Trong năm 2023, các hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí về đêm tiếp tục kế thừa, phát triển những thành tựu đã hình thành trước đây tập trung khu vực quảng trường, sân vận động khu vực thị trấn và trung tâm các xã nơi đông dân cư với các loại hình như hội chợ, dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ em.

Trên địa bàn thành phố Bến Tre, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú hơn, biểu diễn giao lưu nghệ thuật cộng đồng tại các địa điểm công cộng vào các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị. Bảo tàng Bến Tre phối hợp với Hội Di sản tỉnh tổ chức các chương trình giao lưu đờn ca tài tử, hát Sắc bùa Phú Lễ, ngâm thơ Vân Tiên tại Nhà Dừa - Bảo tàng Bến Tre; sân chơi nghệ thuật cộng đồng tại khuôn viên trưng bày Đàn đá công viên Bến Tre; xây dựng và phát triển khu dịch vụ trò chơi cảm giác mạnh cho trẻ em, thanh niên tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, trong khuôn viên Trung tâm thương mại GO!Bến Tre…

Vào dịp cuối tuần, Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Lam (Bến Tre Riverside Resort - khách sạn Dừa) phối hợp Trung tâm thương mại Sense City phục vụ miễn phí các chuyến xe điện tham quan thành phố Bến Tre về đêm, phục vụ khách dạo quanh các tuyến đường trung tâm thành phố Bến Tre, ngắm cảnh đêm khu vực bờ hồ Trúc Giang, công viên Đồng Khởi, công viên Trần Văn Ơn, chợ đêm Bến Tre, đại lộ Đồng Khởi; khách sạn Diamond, khách sạn Việt Úc.

Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, công tác bình ổn thị trường được các ngành chức năng triển khai tích cực, ngăn chặn kịp thời các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chuẩn bị đa dạng, phong phú nguồn hàng, từ những mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đến những hàng may mặc, trang trí nội thất, phương tiện đi lại đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong năm, tỉnh xây dựng và đưa vào khai thác Bến tàu du lịch tại xã Mỹ Thạnh An - thành phố Bến Tre. Các huyện và thành phố Bến Tre đã và đang phát triển mạnh mô hình du lịch homestay. Một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T, Công ty TNHH MTV Du lịch Sinh thái Bảo Duyên, Công ty TNHH TM-DV-DL Bảo Khôi, Công ty TNHH DL-DV- TM Cồn Phụng, Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Hải Vân… tổ chức khai thác phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm du lịch về đêm tổ chức tour ngắm hoàng hôn và xem đom đóm trên sông Bến Tre, sông Cổ Chiên, sông Tiền, sông Ba Lai; dịch vụ cà phê du thuyền trên sông vào cuối tuần; hình thành tour du lịch vòng quanh thành phố Bến Tre với ẩm thực đặc sắc như hủ tiếu pate, chuối đập, bánh canh bột xắt… kết hợp với mua sắm quà lưu niệm dừa tại các cơ sở như lò kẹo Thanh Long, siêu thị Dừa. Triển lãm các chuyên đề trong khuôn viên Bảo tàng Bến Tre, Nhà thành tựu kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa của khách tham quan.

Các huyện, thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các tuyến, tour du lịch; thực hiện trùng tu, nâng cấp các cơ sở tôn giáo, thờ tự, di tích lịch sử, địa điểm kinh doanh để thu hút khách du lịch. Tại thành phố Bến Tre đã hình thành mới khu chỉnh trang đô thị phường Phú Khương, đưa vào hoạt động Chợ Lạc Hồng, Đại lộ Đông Tây, thực hiện chuyển đổi bộ đèn công nghệ cũ sang đèn Led công nghệ IOT, thực hiện chỉnh lý khuôn viên và lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật Bảo tàng Bến Tre. Tại huyện Mỏ Cày Bắc đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Phúc trên sông Cái Cấm nối liền 2 xã Thanh Tân và Thạnh Ngãi tạo điều kiện thuận lợi kết nối tuyến du lịch liên xã Thanh Tân - Thạnh Ngãi - Phú Mỹ và các xã huyện Chợ Lách. Các tuyến đường chính, hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, về điện, viễn thông, nước sinh hoạt, camera giám sát an ninh trật tự khu vực thị trấn Giồng Trôm được đầu tư hoàn chỉnh.
 

Ông Nguyễn Việt Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam
 phát biểu tại hội thảo (Nguồn P.QLTM)

Ngoài ra, các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức gặp gỡ một số nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh khảo sát, làm việc với UBND huyện Chợ Lách, Châu Thành liên quan nội dung đăng ký hoạt động chợ đêm; tổ chức làm việc với Công ty Saigon tourist, Vietravel, Bến Thành tourist, các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ các đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu du khách và kết nối, phát triển tuyến điểm du lịch Bến Tre.

Mặc dù trong năm 2023, hoạt động kinh tế ban đêm chưa có những chuyển biến rõ nét. Về sản phẩm, dịch vụ ban đêm các hoạt động văn hoá - nghệ thuật còn hạn chế, chưa phong phú. Chợ đêm tỉnh được xem là điểm nhấn của thành phố Bến Tre nhưng chưa thật sự thu hút du khách và người dân đến tham quan, mua sắm. Các dịch vụ ban đêm đa số quy mô trung bình và nhỏ, chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn, đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm trên địa bàn tỉnh đóng cửa khoảng từ 21 giờ đến 22 giờ.

Năm 2024, với mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh, theo hướng hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở kết hợp các hoạt động kinh tế ban đêm hiện đại với tận dụng và phát huy tối đa thuần phong mỹ tục, văn hoá đặc sắc của Bến Tre. Phát triển ít nhất 01 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của Bến Tre; hình thành thêm các tour tuyến du lịch, kết hợp giữa du lịch ban  ngày và ban đêm với thời gian lưu trú du khách trung bình từ 2-3 ngày. Phát triển nông nghiệp, đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch theo hướng khai thác lợi thế sông nước, sản phẩm của địa phương, các di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo; xây dựng mô hình giải trí - ẩm thực. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế ban đêm thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đảm bảo tỷ lệ phủ sóng di động 3G/4G đạt 100% trên địa bàn toàn tỉnh.

Một số giải pháp cần tập trung để đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể:

- Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức của pháp luật về an toàn thực phẩm tới các cơ sở kinh doanh về đêm; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật gắn với thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Đào tạo, nâng cao năng lực công tác, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ CBCCVC; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch. Ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin; nâng cấp, mở rộng mạng lưới hạ tầng bưu chính, viễn thông, quan tâm chất lượng dịch vụ.

- Mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 gắn với quy hoạch phát triển khu vực trọng điểm kinh tế ban đêm. Đặc biệt, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, máy bán hàng tự động và các mô hình kinh doanh hiện đại khác tại các huyện. Cải tạo, nâng cấp cơ sở đã có, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch mới, chú trọng loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; trùng tu, nâng cấp các khu di tích lịch sử - văn hoá, cơ sở thờ tự và các lễ hội văn hóa. Phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu mua sắm ban đêm, đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí; tăng cường liên kết các cửa hàng kinh doanh đặc sản của tỉnh, sản phẩm OCOP với các công ty lữ hành. Quảng bá rộng rãi và khuyến khích các nhà hàng, điểm du lịch chế biến phục vụ các món ăn đặc sản gắn với thương hiệu của tỉnh như sản phẩm từ dừa, đặc sản địa phương, các sản phẩm gắn với làng nghề truyền thống.

- Hình thành và tổ chức các buổi diễn, vở diễn ban đêm gắn với “thương hiệu” Bến Tre như: phong trào Đồng Khởi, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; hoạt động trải nghiệm vui chơi về đêm ở các điểm du lịch: bắt nghêu, ba khía, ngắm đom đóm trên sông…

- Quan tâm việc phát triển kinh tế ban đêm, đồng thời quản lý không để các tệ nạn xã hội như: mại dâm, cờ bạc, ma túy và các loại tội phạm khác, gây mất an ninh trật tự tại các địa phương, làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, khó khăn trong công tác quản lý của các ngành giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Tin, ảnh: Mai – P.QLTM