• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thương mại điện tử tỉnh Bến Tre – Một số kết quả đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới
Ảnh: Toạ đàm toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (nguồn: XTTM-SCT)

Thương mại điện tử tỉnh Bến Tre – Một số kết quả đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới

(Cập nhật: 18/07/2019)
Thương mại điện tử hiện nay không còn xa lạ với các doanh nghiệp, doanh nhân cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Những giao dịch mua bán qua mạng Internet đã có mặt vào gần như ở mọi lĩnh vực với nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương thức thương mại truyền thống.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), bán hàng xuyên biên giới trên môi trường internet đến trực tiếp tận tay người dùng cuối cùng đang ngày trở nên quan trọng và chiếm thị phần không nhỏ trong tổng giao dịch thương mại điện tử toàn cầu. Hiện tại có trên 55% người Mỹ thường xuyên tìm kiếm sản phẩm mà mình cần trên Amazon. Báo cáo của DHL - Công ty chuyển phát nhanh và giao nhận – cung ứng, vận chuyển hàng hóa (logistics) hàng đầu trên thế giới cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ giữ vững ở mức 25% trong suốt 3 năm tới, gấp đôi so với thương mại nội địa. Theo đó, tổng giá trị các giao dịch sẽ tăng từ 300 tỷ USD năm 2015 lên ngưỡng 900 tỷ USD, chiếm đến 22% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2020.

Đối với Việt Nam, thị trường thương mại điện tử vẫn đang phát triển không ngừng. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Riêng tỉnh Bến Tre, hạ tầng viễn thông, Internet những năm qua được đầu tư, bảo đảm cung cấp dịch vụ có chất lượng khá tốt cho các doanh nghiệp, cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Các sản phẩm, ngành hàng bước đầu được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên không gian mạng. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, lợi ích của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng giao dịch. Điều này thể hiện rõ nét ở các doanh nghiệp liên quan nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho thương mại điện tử, nguy cơ chậm chân, tụt hậu là có khả năng xảy ra.
Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh năm 2019 xếp hạng thứ 28/54 tỉnh, thành được khảo sát, trong đó, chỉ số B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) xếp thứ 27/54, chỉ số B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) xếp thứ 32/54, chỉ số B2G (giao dịch giữa doanh nghiệp với Chính phủ) xếp thứ 26/54 tỉnh, thành được khảo sát.

Trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ tích cực của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, đặc biệt là sự quan tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở Công Thương đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Phát triển Thương mại điện tử tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức 06 lớp tập huấn, đào tạo tập trung vào các chủ đề: nâng cao nhận thức về lợi ích của thương mại điện tử, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng các công cụ marketing trực tuyến trên website, facebook, zalo…cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, đoàn viên, thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước thuộc sở ngành tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ trang bị miễn phí cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế xây dựng trên 20 website thương mại điện tử và trang bị phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, cửa hàng bán lẻ.

Chất lượng thông tin trên website www.congthuongbentre.gov.vn luôn được cải thiện. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về tình hình thị trường trong nước và quốc tế, chính sách xuất nhập khẩu của các quốc gia, cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại...Danh mục doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh Bến Tre được cập nhật thường xuyên, kịp thời và đầy đủ thông tin hình ảnh sản phẩm, thông tin liên hệ, giao dịch qua mạng…

Giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia Cổng Thương mại Điện tử Quốc gia (ECVN), Cổng thông tin thị trường nước ngoài (vietnamexport). Đặc biệt từ tháng 4 năm 2019 đến nay, được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Tập đoàn Lazada đã xây dựng kế hoạch và triển khai: “Ngày của Làng dừa Bến Tre online” đây là sự kiện đầu tiên được thực hiện tại Bến Tre thuộc chuỗi Chương trình Đưa thương mại điện tử về nông thôn do Tập đoàn Lazada thực hiện, sau khi triển khai giai đoạn một, hiện nay bước đầu đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, cụ thể vào ngày 20/5/2019, trên trang Thương mại điện tử Lazada.vn đã chạy chương trình “Ngày của làng Dừa Bến Tre online” có 289 loại sản phẩm của 16 doanh nghiệp, Hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia chương trình, bán được 1.877 sản phẩm. Các sản phẩm ngành dừa đa dạng chủng loại, phong phú kiểu dáng thuộc nhiều nhóm sản phẩm như: bánh kẹo, thực phẩm đồ uống, mỹ phẩm, cơm dừa, thạch dừa, mụn dừa, thủ công mỹ nghệ từ dừa,.... Những sản phẩm từ dừa được đưa lên tốp đầu trang Lazada.vn và giao diện trang thương mại điện tử này toàn bộ đã chuyển sang màu xanh cây dừa với nhiều thiết kế hình ảnh cây dừa, trái dừa, cơm dừa rất thu hút. Đồng thời, Lazada cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng như giảm giá, tặng sản phẩm, trợ phí vận chuyển, phiếu mua hàng giảm giá (voucher),... để kích cầu tiêu dùng đối với những sản phẩm ngành dừa. Song song chương trình khuyến mãi, Lazada cũng đã chạy một chương trình truyền thông quy mô trên các trang báo, đài truyền hình như Vnexpress, HTV....mua lượt truy cập google, facebook, livestream bán sản phẩm ngành dừa thu hút khoảng 10.000 lượt theo dõi của khách hàng tiềm năng.

Đồng thời, qua sự kiện này cũng đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước, đặc biệt là của nhiều cơ quan báo đài như: VTV, HTV, Truyền hình Bến Tre; báo Tiền Phong, Thanh Niên, CafeF, doanh nhân Sài Gòn,... đưa tin về sự kiện, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp ngành dừa Bến Tre đến đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhìn chung, đến nay phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chỉ dừng lại ở hình thức đơn giản như sử dụng hộp thư điện tử (email) trao đổi thông tin, giới thiệu thông tin doanh nghiệp, sản phẩm trên zalo, facebook, website, đặc hàng, thông tin đơn hàng…. Một số doanh nghiệp qua sự hỗ trợ của Sở Công Thương đã tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đến nay, toàn tỉnh có 64 doanh nghiệp đã đăng ký website giao dịch thương mại điện tử được xác nhận của Bộ Công Thương. Ngoài ra, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng website, facebook, blogweb, twitter, zalo… để giao dịch thương mại qua internet thông qua thiết bị di động thông minh (smartphone)…

Mặc dù phát triển thương mại điện tử là xu hướng tất yếu và ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng việc triển khai ứng dụng ở tỉnh Bến Tre theo đánh giá chung thì mới chỉ ở giai đoạn đầu. Đa số các doanh nghiệp chưa nhận thức về hiệu quả và lợi ích của thương mại điện tử mang lại, đơn cử như việc sử dụng hòm thư điện tử trong đàm phán, ký kết hợp đồng mức độ đơn giản. Số lượng doanh nghiệp có website thương mại điện tử đăng ký chính thức chưa nhiều, doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến công tác quản trị, đăng bài, nâng cấp website của mình; chưa bố trí nhân sự chuyên trách về thương mại điện tử mà chủ yếu kiêm nhiệm, trong khi đó xu hướng tìm kiếm sản phẩm, tìm hiểu thông tin và đặt hàng qua mạng ngày càng nhiều. Hạ tầng logistics chậm phát triển, thiếu hệ thống kho lạnh, kho bảo quản để lưu trữ hàng hóa nông sản nên khó khăn khi thực hiện những đơn hàng có số lượng lớn. Cán bộ quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế về chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản.
Tóm lại, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì thương mại điện tử được xem là xu thế mà các doanh nghiệp cần hướng tới. Hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản tỉnh Bến Tre, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, chú trọng các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn (OCOP).

Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng, giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, các biện pháp an toàn thông tin và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phân phối nông sản của tỉnh.
Đồng thời xây dựng và vận hành một cách có hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản sạch trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm của từng đơn vị, trong đó quan tâm đến việc giới thiệu các yếu tố đặc thù của mặt hàng nông sản như quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc… trên môi trường mạng. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Kết nối các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp giải pháp thương mại điện tử (dịch vụ thiết kết website, các sàn giao dịch, cung cấp tên miền, vận chuyển, thanh toán…), từng bước xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện để tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử của tỉnh nhà.
Nguồn: QLTM-SCT