• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TU ngày 21/7/2016 của Tỉnh ủy về Đề án Phát triển Thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020
Phát triển hạ tầng thương mại - chợ nông thôn tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Nguồn: QLTM)

Sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TU ngày 21/7/2016 của Tỉnh ủy về Đề án Phát triển Thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020

(Cập nhật: 19/06/2019)
Căn cứ Kết luận số 27-KL/TU ngày 21/7/2016 của Tỉnh ủy về Đề án phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020 và Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên lĩnh vực thương mại và đã đạt được những kết quả như sau:

Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa truyền thống và hiện đại: từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng 41 chợ và 01 Trung tâm triển lãm và Hội nghị quốc tế - Việt Nam với tổng nguồn vốn là 293,776 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 10,322 tỷ đồng; vốn chuyển quyền sử dụng đất 52,75 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp và huy động từ hộ kinh doanh là 230,704 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số công trình thương mại hiện đại như: Cao ốc liên hợp Hoàn Cầu Bến Tre (trong đó có Trung tâm thương mại) đang thi công và sắp hoàn thành với vốn đầu tư 453 tỷ đồng từ nguồn vốn doanh nghiệp; nhà đầu tư Sài Gòn Coop dự kiến phát triển 02 siêu thị tại huyện Mỏ Cày Nam và Ba Tri nhưng còn khó khăn về đất đai; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ thi công xây dựng, nâng cấp 05 chợ (chợ Thới Lai, Đê Đông, chợ Thị trấn Bình Đại – Bình Đại; chợ thị trấn Mỏ Cày – huyện Mỏ Cày Nam; chợ Cầu Ông Tạo – huyện Mỏ Cày Bắc). Tình hình phát triển hạ tầng thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước củng cố hạ tầng thương mại nông thôn, các chợ được xây dựng mới khang trang hơn. Hệ thống phân phối hiện đại có bước phát triển, góp phần làm bộ mặt thương mại văn minh, hiện đại.
Phát triển xuất khẩu: Qua 03 năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,519 tỷ USD, tăng bình quân 13,82%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,844 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng cao bình quân 21,39%/năm và chiếm 73,19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các doanh nghiệp trong nước đạt 675,634 triệu USD, giảm nhẹ 1,74%/năm và chiếm 26,81% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2016, hàng hóa của Bến Tre xuất khẩu sang 112 nước và vùng lãnh thổ, đến năm 2018 xuất khẩu sang 123 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường truyền thống được củng cố và giữ vững, đồng thời mở rộng thêm các thị trường tiềm năng và một số thị trường mới. Có thể nói, thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ngày càng đa dạng và được mở rộng, gắn thị trường trong nước với thị trường xuất khẩu theo hướng phát triển thị trường trong nước để tạo nguồn cung ứng cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu để kích thích phát triển sản xuất trong tỉnh.
Xúc tiến thương mại (XTTM): Hoạt động XTTM chủ yếu cung cấp thông tin thị trường, dự báo thị trường, cơ hội kinh doanh thông qua Website Sở Công Thương, Bản tin dự báo thị trường, Bản tin Thế giới và Cây dừa, thông tin được cập nhật kịp thời, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Sở Công Thương đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Công nghiệp Thương mại và khuyến mại, từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức 04 hội chợ, 20 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện trong tỉnh; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 75 hội chợ tại các tỉnh, thành phố và giới thiệu hàng hóa tham gia trưng bày sản phẩm đặc trưng tại các tỉnh và thị trường nước ngoài; Tổ chức 14 Đoàn, Hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa, khảo sát thị trường tại các tỉnh, thành phố; 19 lớp tập huấn về khởi nghiệp và sáng tạo, kỹ năng bán lẻ và tiếp thị, thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm, kỹ năng tiếp cận thị trường, kỹ năng quản lý và giao tiếp trong kinh doanh. Qua đó, các doanh nghiệp đã tìm kiếm được một số đối tác, đại lý mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với kết quả xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm dừa, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 11 tổ liên kết, 37 tổ hợp tác, 09 hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ dừa theo chuỗi quy mô 1.882,78 ha với 2.511 hộ tham gia; vận động được 04 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các THT, HTX với mức giá sàn đảm bảo thu mua ổn định tối thiểu 50.000 đồng/chục dừa; tính từ năm 2017 đến nay, sản lượng dừa tiêu thụ qua hợp đồng là 13,636 triệu trái và 453 tấn cơm dừa tươi. Hiện nay, có thêm một số doanh nghiệp mới tham gia chuỗi. Riêng dừa uống nước đã vận động 03 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với nông dân và thu mua được 653.365 trái dừa tươi.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giảm chi phí cũng đã được Sở đẩy mạnh hỗ trợ: đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, xây dựng  phần mềm bán hàng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với sàn TMĐT Lazada triển khai các doanh nghiệp ngành Dừa mở gian hàng, tham gia chương trình bán hàng trong “Ngày của làng Dừa Bến Tre online”, có 289 loại sản phẩm của 16 doanh nghiệp, Hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia chương trình, đã bán được 1.877 sản phẩm.
Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt. Kết quả đã hỗ trợ các trang thiết bị như quầy, kệ, tủ, bảng hiệu... và quảng bá trên Đài truyền hình Bến Tre, Báo Đồng Khởi 05 điểm bán hàng Việt, với tổng kinh phí thực hiện là 338,84 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ là 80 triệu; hỗ trợ 02 điểm thực hiện chương trình “cửa hàng nông sản an toàn” với tổng kinh phí được phê duyệt là 151,6 triệu đồng.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020, nhìn chung hoạt động thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, nguồn cung dồi dào, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, hệ thống hạ tầng thương mại từng bước được mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; thị trường xuất khẩu, mạng lưới kinh doanh thương mại tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, công tác XTTM tiêu thụ hàng nông sản còn khó khăn; mạng lưới bán lẻ hiện đại còn mỏng, một số siêu thị triển khai còn chậm do đất đai, một số chợ do doanh nghiệp đầu tư còn gặp khó khăn trong khai thác, kinh doanh và quản lý; việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban Quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ còn khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên đạt thấp so với tiềm năng của tỉnh.
Để có thể tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 27-KL/TU ngày 21/7/2016 của Tỉnh ủy về Đề án Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020 trên lĩnh vực thương mại, trong thời gian tới cần:
Tiếp tục thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả, sáng tạo, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu và giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá hợp lý.
Tăng cường đẩy mạnh quá trình liên kết hoạt động thương mại với các tỉnh, thành khác, hướng vào việc cung ứng và tiêu thụ hàng hoá đặc sản và có lợi thế phát triển của tỉnh để hình thành hệ thống phân phối hàng hoá có hiệu quả.
Tiếp tục phối hợp với các ngành, huyện, thành phố kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, đồng thời, cần đa dạng nguồn vốn để phát triển hạ tầng thương mại, trong đó, nguồn vốn doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng.
Khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ truyền thống, góp phần phát triển mạng lưới phân phối hàng hoá trong tỉnh, phủ khắp khu vực nông thôn.
Tiếp tục thực hiện tốt ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh đến với mọi người trên khắp các vùng miền cả nước.
Hỗ trợ thông tin đến các doanh nghiệp, nông dân là đối tượng chịu tác động nhiều khi thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn hàng hóa nông sản nhập khẩu của các nước nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Nguồn: QLTM-SCT