• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng sang các nước EU khi Hiệp định EVFTA được ký kết
Hàng nông thuỷ sản Việt được dự báo sẽ có cơ hội “vàng” khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng sang các nước EU khi Hiệp định EVFTA được ký kết

(Cập nhật: 20/05/2020)
Sau đúng 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) đã chính thức được ký kết vào 30/6/2019, dự kiến có hiệu lực vào năm 2020, được dự báo là cơ hội “vàng” cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt do thuế suất sẽ giảm mạnh ở nhóm mặt hàng này.
Theo đó, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như: Cà phê; hạt tiêu; mật ong tự nhiên; 50% số dòng thuế cho thủy sản Việt sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế); khoảng 50% số dòng thuế còn lại sẽ được về 0% sau từ 3-7 năm. Đối với gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm gạo xay xát, gạo chưa xay xát, thuế trong hạn ngạch 0%.

Ngược lại, Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của mình như xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực cho hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) thuộc 65% số dòng thuế trong biểu thuế. Đối với mặt hàng cụ thể, thời gian xóa bỏ thuế sẽ theo lộ trình 3 năm, 7 năm, 9 năm hoặc 10 năm chiếm 99% số dòng thuế trong biểu thuế. Số dòng thuế còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

Khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm qua đã làm cho nhu cầu tiêu thụ nông sản nhập khẩu nói chung của khu vực EU (trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam) giảm mạnh. Vài năm trở lại đây dù kim ngạch xuất khẩu (XK) sang khu vực này đã tăng trưởng trở lại nhưng những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao, do đó XK sang EU ngày càng khó khăn hơn.

Trước hết, các quy định pháp lý liên quan tới hàng rào kỹ thuật liên tục được EU rà soát, điều chỉnh. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật. Tuy nhiên, EU có quan điểm khá cứng rắn về các vấn đề SPS và không có ý định hạ thấp các tiêu chuẩn này trong các FTA nên sẽ khó có ngoại lệ nào riêng cho Việt Nam. Cùng với đó là những nguy cơ về các vụ kiện thương mại, chống bán phá giá trợ cấp và tự vệ…
Theo quy định SPS của EU, tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật XK sang thị trường này đều bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở biên giới theo hình thức kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 10% số lượng lô hàng. Tuy nhiên, nếu một lô hàng bị phát hiện có vấn đề về SPS thì 10 lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra toàn bộ một cách kỹ lưỡng.

Đáng lưu ý, đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, chỉ có các đơn vị sản xuất nằm trong danh sách đảm bảo của cơ quan có thẩm quyền của nước XK gửi sang EU và được EU chấp nhận mới được XK. Hiện tại, chỉ có hai loại sản phẩm có nguồn gốc động vật ở Việt Nam được XK sang EU là thủy sản và động vật thân mềm hai mảnh vỏ.

Thứ hai, đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nước XK phải tuân thủ các quy định về SPS của EU trong quá trình nuôi trồng sản xuất. Hàng XK sang EU tuy không bị kiểm tra nghiêm ngặt như các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng cũng sẽ bị kiểm tra ngẫu nhiên bởi các nước thành viên trong quá trình nhập cảnh hoặc sau khi đã bán ra thị trường.

EU cũng duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.
Mặt khác, EVFTA đặt ra quy tắc xuất xứ rất ngặt nghèo, tương đối chặt chẽ về các quy tắc xuất xứ. Hàng nông sản phải được sản xuất và trồng thuần túy tại Việt nam. EU sẽ không chấp nhận việc chúng ta nhập khẩu rồi chế biến và XK sang EU. Điều đó đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) XK nông sản của chúng ta sẽ phải đầu tư vào nguyên liệu, đầu tư vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản của mình.

Mặc dù chính sách của EU là áp dụng chung thuế ở các nước thuộc EU, tuy nhiên thị hiếu và các tiêu chuẩn sản phẩm ở mỗi thị trường sẽ khác nhau, mỗi thị trường của EU sẽ đòi hỏi chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Việc đảm bảo được sự đồng nhất trong chất lượng sản phẩm là một vấn đề khó đặt ra cho nước ta.

Ngoài các vấn đề về tổ chức công nghệ, các DN phải hết sức chú ý đến là thông tin thị trường. Thị trường EU là một thị trường lớn, có nhiều cơ hội, nhưng trên thực tế, hàng hóa XK sang thị trường này vẫn tập trung ở các nước lớn như Đức, Pháp, Ý…các thị trường nhỏ thì các DN của ta không quan tâm đến. Do vậy, DN cần phải xác định thị trường nào trong EU mà mình muốn thâm nhập thì có chiến lược cụ thể để xâm nhập vào thị trường mục tiêu đó.

Giải pháp để vượt rào cản.

Trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ để đảm bảo yêu cầu về xuất xứ; hoàn thiện thể chế, phát triển năng lực công nghệ và quản lý; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng hài hòa hóa các quy định của thị trường EU và trên thế giới; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động  tuyên truyền, phổ biến các vấn đề có liên quan đến Hiệp định nhằm giúp các DN nắm vững các cam kết, khai thác tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Các hiệp hội, ngành hàng cần quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng không chỉ cho toàn thể cộng đồng DN mà còn cho từng DN riêng lẻ, nhất là những vướng mắc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo hay hình sự hóa các quan hệ dân sự, thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ cho DN xúc tiến thương mại, đặc biệt là thông qua ứng dụng công nghệ số và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và triển khai các nội dung của Hiệp định sao cho phù hợp với DN thành viên.

Về phía các DN, cần chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam nhất là các thông tin về ưu đãi thuế quan; bám sát lộ trình và các quy định của Hiệp định nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN hai bên; tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Cùng với đó, tổ chức lại hoạt động sản xuất một cách chuyên nghiệp hơn, nâng cao tiêu chuẩn hơn nữa. Chú trọng thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, tạo lập duy trì và phát triển mối quan hệ với các DN và cơ quan chức năng, từ đó hình thành các hợp tác xã, vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tham gia các Hiệp hội ngành hàng, cùng nhau học hỏi, đưa ra các chính sách phát triển kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm nhận được nguồn vốn lớn và khoa học công nghệ tiên tiến.

Song song đó, DN và người dân cần chủ động xây dựng chiến lược XK nông sản, chú trọng đồng bộ về kĩ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quá trình sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm của mình đáp ứng với nhu cầu thị trường. Và cũng cần tính đến việc giữ thị phần trong nước, vì hàng ngoại sẽ tràn vào trong nước với giá rất cạnh tranh. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN của ta tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và khu vực toàn cầu.
Nguồn: QLTM - SCT