• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Bến Tre tổ chức lại sản xuất nông - thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu

(Cập nhật: 02/06/2020)

Thời gian qua việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước gặp nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Đối với tỉnh Bến Tre, ngay từ cuối năm 2015 đầu năm 2016 thì tình trạng xâm nhập mặn đã tác động bất lợi cho sản xuất và đời sống người dân. Song với sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương cùng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng và nhân dân tỉnh Bến Tre trong việc tập trung triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết về xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tình hình kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng trong gần 5 năm qua có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Sản xuất nông-lâm-thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng; hai thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển được phát huy hiệu quả; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung: dừa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu ngày càng tốt hơn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện và phát huy được tác dụng, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, tưới tiêu góp phần nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích.

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Bến Tre đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu là giải pháp tổ chức lại sản xuất nông, thủy sản nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Cụ thể:

Một là, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đảm bảo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái và nhu cầu của thị trường.

Hai là, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất tập trung theo hình thức liên kết, tích tụ đất, tạo được vùng sản xuất theo quy mô lớn và ổn định phục vụ xuất khẩu nhằm khắc phục trình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất theo thói quen. Trong đó, Tỉnh đã chọn xây dựng và phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực được tỉnh Bến Tre lựa chọn là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, gồm bưởi, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển. Đây là nhóm nông sản chiếm khoảng 54,2% tỷ trọng giá trị sản xuất và 52,87% tỷ trọng giá trị tăng thêm trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khu vực I, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh.

Ngoài các loại cây trồng chủ lực thì tỉnh Bến Tre cũng đang tiếp tục lựa chọn các loại cây trồng có tiềm năng, lợi thế và đủ điều kiện để tham gia xuất khẩu. Tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo hướng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.

Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát để hướng dẫn cũng như giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện bảo đảm tính bền vững của việc cấp mã số. Chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm đặc sản của tỉnh và các sản phẩm xuất khẩu.

Bốn là, tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng và kỹ thuật phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Năm là, tổ chức nhân rộng mô hình có hiệu quả để làm mô hình điểm và đồng thời làm đầu mối thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra. Xây dựng thành công các Hợp tác xã điển hình dẫn đầu chuỗi, đây là nhân tố đặc biệt quan trọng để đảm bảo việc tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Sáu là, đầu tư hệ thống công trình hoàn chỉnh cho các vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; Cải tạo, nâng cấp, phát triển mới các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nghề cá 3 huyện ven biển; Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong bảo quản thủy sản khai thác trên tàu cá; Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tự động hóa, cải tiến ngư cụ, trang thiết bị khai thác, kỹ thuật đánh bắt và du nhập nghề mới; Triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, điện, vốn nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm 2 giai đoạn, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, nuôi tôm có mái che,…).

Sau cùng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm nông lâm, thủy sản, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm.
 
Nguồn: QLTM - SCT