• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thực trạng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ dừa tại Bến Tre
Một gian hàng của DN trong “Phiên chợ khởi nghiệp”2018 - Nguồn: P.KHTC

Thực trạng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ dừa tại Bến Tre

(Cập nhật: 14/01/2019)

Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất trong cả nước, đến năm 2018, diện tích dừa đạt trên 72.000 ha, sản lượng trên 600 triệu trái; diện tích dừa Bến Tre chiếm 42,5% tổng diện tích dừa cả nước; 0,6% diện tích dừa thế giới. Tuy nhiên, Bến Tre có các giống dừa đa dạng với chất lượng tốt, năng suất dừa Bến Tre cao nên sản lượng chiếm 47% sản lượng cả nước, gần 1% sản lượng dừa thế giới.

Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, thời gian qua, để cây dừa phát triển ổn định và bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có sự phát triển nhanh và phong phú về các mặt hàng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động rất khác nhau, có khả năng chế biến hết sản lượng dừa của ĐBSCL. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2018 đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 12,3% giá trị sản xuất công nghiệp. Các sản phẩm sản xuất chủ yếu như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa....

Bến Tre đã xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết 03-NQ/TU; hỗ trợ hình thành các mô hình hợp tác để giúp người dân liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ dừa; các chuỗi liên kết đang hướng tới các chỉ tiêu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất an toàn, bền vững.

Thị trường tiêu thụ nội địa chủ yếu là trái dừa tươi (làm nước giải khát) cho các thị trường: đô thị ở các tỉnh phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả Hà Nội. Một lượng trái dừa khô cũng được tiêu thụ trong nước để làm thực phẩm. Các sản phẩm chế biến cũng được tiêu thụ trên thị trường nội địa nhưng tỷ trọng còn khiêm tốn.

Xuất khẩu là kênh tiêu thụ phần lớn các sản phẩm dừa của Bến Tre. Xuất khẩu dưới hình thức nguyên liệu thô chủ yếu cho sản phẩm trái dừa khô lột vỏ, khách hàng chủ yếu là thương nhân Trung Quốc; xuất khẩu dưới hình thức sản phẩm đã chế biến: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa thô, than gáo dừa (đã xay), than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa... đã xuất khẩu đi đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Thị trường xuất khẩu của Bến Tre ngày càng đi vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Châu Âu, Mỹ. Đến năm 2018, các sản phẩm từ dừa đã xuất được hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa khá đa dạng với nhiều loại sản phẩm. Thị trường truyền thống được củng cố và giữ vững, đồng thời có thêm được nhiều thị trường mới; trong đó, đứng đầu là các nước Châu Á, kế đến là khu vực Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và sau cùng là các nước khu vực Châu Đại Dương.

Nhìn chung, thời gian gần đây, các nội dung của Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre được triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đã thay đổi nhận thức cộng đồng theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi; đã hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa ...; có nhiều dự án chế biến dừa quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm mới từ dừa được thương mại hóa với quy mô lớn, sản lượng các sản phẩm mới có sự tăng trưởng khá; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn về chất lượng sản phẩm, ứng dụng, chuyển đổi thiết bị công nghệ vào sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường, nên tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm dừa có bước phát triển khá tích cực. Thị trường trong nước và nước ngoài thường xuyên được củng cố và mở rộng, sản phẩm từ dừa được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hơn, giảm dần sự lệ thuộc vào một thị trường; sản lượng, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ dừa ngày càng tăng.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ dừa cũng còn nhiều hạn chế; nhiều sản phẩm chế biến từ dừa còn dưới dạng thô nên giá trị thấp, dễ bị khách hàng ép giá, tiêu thụ nhiều nguyên liệu. Đa số doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường có hạn nên chưa mạnh dạn đầu tư, ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm. Trong năm 2018, một số sản phẩm chế biến dừa gặp khó vì nguyên liệu không ổn định, chưa xuất khẩu được sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hầu hết giá của các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đều sụt giảm ...;

Để cây dừa tiếp tục được phát triển ổn định và bền vững, một số giải pháp cần thực hiện để sớm ổn định sản xuất và tiêu thụ dừa trong thời gian tới như sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng dừa với các doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả định hướng liên kết phát triển thị trường dừa với các tỉnh lân cận; phối hợp triển khai thực hiện tốt đề án “Liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long” và đưa cây dừa vào danh mục cây trồng chủ lực của vùng; Liên kết với các tỉnh có trồng dừa trong việc kêu gọi đầu tư khai thác, đặt trong quan hệ lợi ích của vùng dừa đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm cân đối giữa năng lực sản xuất nguyên liệu dừa trái và năng lực chế biến ngành dừa trong vùng; đẩy mạnh các hoạt động XTTM trong và ngoài nước, chú trọng hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp kết nối cung – cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ…/.

Nguồn: P.KHTCTH-SCT