• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Mộ số lưu ý về nhãn dán, đóng gói  đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ
Một số sản phẩm xuất khẩu của Bến Tre được trưng bày tại Hội nghị kết nối giao thương Cần Thơ 2020

Mộ số lưu ý về nhãn dán, đóng gói đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ

(Cập nhật: 29/04/2021)
Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam bởi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang nước này luôn đạt giá trị gia tăng cao. Giá trị sản phẩm cao luôn đi đôi với yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm khắt khe. Những mặt hàng xuất khẩu vào thì trường Hoa Kỳ ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, còn phải đáp ứng các yêu cầu về ghi nhãn và đóng gói sản phẩm.

Do vậy, các doanh nghệp Việt (trong đó có doanh nghiệp Bến Tre) cần lưu ý việc ghi nhãn sản phẩm và đóng gói sản phẩm để việc xuất khẩu được thuận lợi, trót lọt.

Ghi nhãn sản phẩm
Nhãn mác hàng hóa, sản phẩm là tư liệu thiết yếu giúp bên vận chuyển,hải quan, nhà phân phối, người tiêu dùng nắm được những thông tin cần thiết về sản phẩm. Ghi nhãn sản phẩm là một việc quan trọng và được quy định chặt chẽ bởi pháp luật Hoa Kỳ. Việc ghi sai hoặc thiếu nhãn sản phẩm theo quy định có thể bị từ chối nhập cảnh tại cảng, thậm chí còn bị phạt vì vi phạm các quy định ghi nhãn của Hoa Kỳ.
Mọi mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải được dán nhãn và không thể tẩy xóa tên tiếng Anh của nước xuất xứ sản xuất hàng hóa. Cụ thể hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam thì ghi tên tiếng Anh là Vietnam(không ghi “Việt Nam”).
Các thông tin chung trên bao bì đối với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng gồm: tên/nội dung sản phẩm, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà đóng gói, nhà nhập khẩu hoặc phân phối, trọng lượng/khối lượng, số lượng tịnh (net) của sản phẩm.

Đối với các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc và thiết bị y tế
Các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc và thiết bị ytế phải thể hiện các thông tin chủ yếu như sau:
- Tên sản phẩm: Tên thương mại của sản phẩm
- Nước sản xuất: nước xuất xứ của sản phẩm
- Các thông tin dinh dưỡng: hầu hết thực phẩm và đồ uống phải được dán nhãn với bảng thành phần dinh dưỡng được định dạng cụ thể (chỉ áp dụng cho doanh nghiệp với doanh thu năm trên 10 triệu USD từ tháng 1 năm 2020 và áp dụng từ tháng 1 năm 2021 đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 10 triệu USD/năm).
- Thành phần (Ingredients): mọi thành phần và phụ gia có trong thực phẩm hoặc đồ uống phải được ghi trên nhãn sản phẩm theo thứ tự giảm dần về độ nổi bật theo trọng lượng.
- Khối lượng tịnh: ghi rõ lượng thực phẩm trong một hộp hoặc gói sản phẩm. Khối lượng/trọng lượng gồm hệ đo lường Anh (pound, ounce, gallon,..) và hệ đo lường metric (kilogam, gam, lit,..) và số liệu phải được liệt kê ở phía trước của gói.
- Cảnh báo (dị ứng, tác dụng phụ,…): các cảnh báo về dị ứng hay tác dụng phụ mà sản phẩm có thể gây ra khi sử dụng.
- Tên và địa chỉ nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, đóng gói: sản phẩm cần ghi rõ tên và địa chỉ của nhà sản xuất. Nếu sản phẩm đó được đặt hàng bởi một nhà phân phối, nhà nhập khẩu thì tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu hoặc phân phối phải được ghi trên bao bì.
Lưu ý: Mọi thông tin đều phải được viết bằng tiếng Anh. Nhãn sản phẩm có thể được viết nhiều hơn một ngôn ngữ nhưng tiếng Anh là bắt buộc khi hàng hóa muốn nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Ngoài ra nhà xuất khẩu các mặt hàng là thực phẩm, dược phẩm khi muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ phải đăng ký tài khoản FDA (FDA là cơ quan giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm phù hợp với tiêu chí nhập khẩu vào Mỹ).
Những mặt hàng mà FDA xem là thực phẩm, bao gồm: động vật còn sống dùng để làm thực phẩm, sữa và sản phẩm làm từ sữa, trứng chưa chế biến, rau quả, thủy hải sản, thực phẩm đóng hộp, bánh, kẹo các loại, nước giải khát, thức ăn cho động vật, sản phẩm ăn kiêng.
Những mặt hàng được FDA miễn trừ, bao gồm: thực phẩm do cá nhân tạo ra tại nhà và gửi đi dưới dạng quà tặng, mẫu thực phẩm không dùng để để tiêu thụ có giá trị từ dưới 200USD (cácsản phẩm mẫu dành cho các nhà sản xuất thực phẩm hoặc phòng thí nghiệm), sản phẩm thực phẩm thịt, thịt gia cầm và sản phẩm trứng (đã chế biến) thuộc độc quyền tài phán của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ.

Đối với các sản phẩm quần áo và may mặc
Nhãn trên quần áo và hàng dệt được bán ở Mỹ phải hiển thị các nội dung sau:
- Tên thương mại của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu
- Nước sản xuất
- Hàm lượng vải (ví dụ %cotton, %len,…)
- Hướng dẫn bảo quản (giặt, sấy, phơi,….)
Doanh nghiệp cần chú ý các thông tin sau cho nhãn sản phẩm của doanh nghiệp mình như: bố cục và nội dung, kích thước của nhãn, vị trí dán/đặt nhãn sản phẩm, chất liệu (dán nhãn hoặc in trên sản phẩm), màu sắc, font chữ.

Đóng gói và vận chuyển hàng hóa đến Hoa Kỳ
Cách thức đóng gói hàng hóa sẽ phụ thuộc vào chủng loại hàng hóa, cách thức hàng hóa được vận chuyển (thời gian, phương tiện vận tải) và những mối nguy hiểm mà hàng hóa có thể gặp phải trên đường vận chuyển.
Nhãn vận chuyển
Nhãn vận chuyển phải ở khổ lớn, rõ ràng và không thấm nước. Thông tin vận chuyển phải bao gồm:
- Cảng đích và tên, địa chỉ, số điện thoại của người nhận hàng trên ít nhất ba mặt của gói hàng (trên cùng, một bên, một đầu)
- Nhãn cảnh báo cần thiết (ví dụ: "dễ vỡ", "Không sử dụng móc")
- Hướng dẫn vận chuyển/quá cảnh
- Kích thước và trọng lượng gói hàng
- Số gói hàng
- Hóa đơn /số vận đơn
Phương thức vận chuyển
Doanh nghiệp có thể lựa chọn bất kỳ phương thức vận chuyển nào phù hợp với tính chất của sản phẩm, nơi sản xuất, số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các lô hàng đều phải đáp ứng yêu cầu chung là chứng từ hải quan, tùy theo hàng hóa thuộc danh mục nhập không chính thức (trị giá 2.000 USD trở xuống) hoặc nhập cảnh chính thức (trị giá hơn 2.000 USD).
Các phương thức vận chuyển gồm: đường biển và đường hàng không. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sau khi cập cảng Hoa Kỳ có thể tiếp tục được vận chuyển nội địa xuyên bang bằng đường bộ hoặc đường sắt.
Doanh nghiệp cần nắm rõ đường đi của hàng hóa để có cách thức đóng gói và bảo quản thích hợp.
Thuê các công ty giao nhận
Việc vận chuyển và làm các thủ tục hải quan có thể gây phiền phức và mất nhiều thời gian cho các nhà xuất khẩu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có ít kinh nghiệm. Do đó,nhà xuất khẩu nên tìm đến một doanh nghiệp vận tải và logistic có uy tín, kinh nghiệm chuyên vận chuyển vào thị trường Hoa Kỳ. Những đơn vị giao nhận này đã nắm rõ các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh cũng như các phương thức vận chuyển phù hợp nhất cho từng loại hàng hóa xuất khẩu, đồng thời có thể tư vấn cho nhà xuất khẩu về giá cả bảo hiểm và các dịch vụ liên quan khác.
Bảo hiểm hàng hóa
Các hãng vận tải quốc tế chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với hàng hóa khi vận chuyển chúng. Mặc khác, các điều khoản bán hàng thường quy định người bán chịu trách nhiệm cho đến khi hàng hóa được giao đến điểm giao hàng. Do vậy,việc mua bảo hiểm vận tải là hết sức cần thiết. Hầu hết các giao nhận vận tải sẽ sắp xếp bảo hiểm cho lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp quyết định tự làm điều này, thông qua một công ty bảo hiểm, doanh nghiệp phải hiểu chính xác phạm vi bảo hiểm được nhận.
Nguồn: TT.KC&XT – SCT