• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Israel - Thị trường nông sản 'cởi mở'
Ông Lý Đức Trung - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel được bổ nhiệm năm 2021. Ảnh: Đinh Tùng. (Nguồn: nongnghiep.vn)

Israel - Thị trường nông sản 'cởi mở'

(Cập nhật: 12/04/2022)

Dù có những đặc thù về văn hóa - xã hội, người dân Israel rất 'cởi mở' về tiêu thụ nông sản. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng thâm nhập vào thị trường này.


Chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel, ông Lý Đức Trung đã có những chia sẻ hữu ích dành cho bạn đọc Nông nghiệp Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang có tham vọng khai mở thị trường đặc biệt này.

ưới góc độ một thị trường nông sản, thưa Đại sứ Lý Đức Trung, ông đã tìm hiểu được những gì về Israel, ở đó có những tiềm năng, lợi thế hay trở ngại gì?

Liên quan đến Israel, một trong những cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc thông tin là người dân Israel là người rất cởi mở, rất thực tế. Họ yêu đời và lạc quan.

Đất nước Israel trải dài từ Bắc chí Nam là 470km, diện tích khoảng 22.000km2, trong đấy chỉ có 4.000km2 là có thể canh tác nông nghiệp được, còn lại là đất sa mạc, bán hoang mạc, nước ngọt rất hiếm.

Xung quanh Israel có 4 biển. Phía Đông của họ là Địa Trung Hải. Phía Tây có 2 biển là biển Caribê và biển Chết. Biển Chết thì nổi tiếng trên thế giới, nồng độ muối vô cùng cao, còn biển Gelilee là biển hồ - biển nước ngọt. Từ biển hồ đó, trong thập kỷ 60 của thế kỉ trước người ta đã làm hệ thống thủy lợi dẫn nước đi tưới ở các vùng khô hạn. Liên quan đến vấn đề nông nghiệp của Israel thì là như vậy. Một biển nữa là Biển Đỏ, một khu vực du lịch nghỉ dưỡng rất lớn.

Israel có nhiều giờ nắng trong năm, khí hậu, thời tiết, nhiệt độ na ná giống Hà Nội. Thủ đô Tel Aviv là một thành phố biển, cuộc sống vô cùng sôi động, một “thành phố không ngủ”. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong đó có nông sản rất lớn.

Như tôi được biết, riêng ở Tel Aviv chợ xanh, chợ truyền thống ở khắp nơi. Người dân thích đi chợ, mua sắm, rất thích ăn các loại hạt và rau củ quả. Họ có một chế độ dinh dưỡng rất là khắt khe, gọi là Kosher. Chế độ đó thì họ chỉ ăn cá có vẩy, hải sản thì không ăn nhuyễn thể hai mảnh, cua ốc loại. Các loài giáp xác như tôm họ cũng hạn chế.

Người Israel ăn nhiều hạt và hoa quả như vậy và các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp thì phải nói là (cái) lượng tiêu thụ của họ (cũng), theo cảm quan của mình, thấy rằng rất lớn.

Israel, dù chỉ có 9 triệu dân, là một thị trường lớn do hàng năm họ còn đón lượng khách du lịch khổng lồ, lên đến 4 - 5 triệu, tức trung bình cứ 2 người Israel đón 1 khách du lịch mỗi năm, tạo nên một thị trường khoảng 14 triệu người.

Theo ý ông thì tiềm năng thị trường là lớn, nhưng đất nước này nổi tiếng thế giới về năng lực công nghệ, sản xuất nông nghiệp của họ có nhiều “tinh hoa” có thể xuất khẩu đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông thấy họ đang làm nông nghiệp như thế nào?

Nền nông nghiệp của Israel vô cùng phát triển, nói đến thế mạnh của nông nghiệp Israel thì nó bắt nguồn từ ba thứ, đều liên quan đến công nghệ hết.

Thứ nhất là công nghệ về cải tạo đất, tưới tiêu. Họ có hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun để làm sao tiết kiệm nước nhất và tối ưu hóa nguồn nước vì họ không phải quốc gia có nguồn nước tự nhiên lớn. Tuy vậy, nhờ công nghệ mà hiện họ có năng lực sản xuất ra nước để đi bán khắp nơi trong khu vực. Đó là nhờ thành tựu về khoa học công nghệ trong xử lí vấn đề nước và tưới tiêu.

Ông David Ben Gurion - cha đẻ của Israel hiện đại từng viết một cuốn sách nổi tiếng tựa đề “Con đường thoát hạn”, đọc nó sẽ hiểu được nỗ lực cải tạo thiên nhiên, sống hòa với thiên nhiên để làm giàu cho mình.

Thứ hai là công nghệ giống. Israel luôn tự hào là họ có một số quả và cây ăn trái ngon nhất thế giới ví dụ lựu, nho, cà chua, ô liu, cam… Rượu nho Israel được không ít người ca ngợi là tuyệt hảo, nhưng do nhu cầu tiêu thụ trong nước nên ít xuất khẩu nên ít người biết đến.

Có thể thấy, Israel cải tạo nông nghiệp, từ nuôi trồng, cây trái, đến thủy hải sản đa phần đáp ứng nhu cầu trong nước là chính.

Có một điểm rất đáng lưu ý là Israel có nhiều thành tựu trong nông nghiệp, được thế giới ngưỡng mộ về nông nghiệp, tuy vậy, đóng góp của nông nghiệp đối với tổng GDP chỉ chưa đến 3%, tương đương khoảng 12 tỷ USD (65 - 70% là dịch vụ, còn lại là công nghiệp).

Thứ ba, Israel là một nước khởi nghiệp, trong lĩnh vực công nghệ nói chung thì trình độ cao đến mức cứ ý tưởng nào được đưa ra là có ngay nhà đầu tư tìm đến. Khởi nghiệp nông nghiệp của Israel cũng không tách khỏi công nghệ, chuyên sâu đến mức công nghệ hóa quá trình phát triển nông nghiệp, từ gen đến nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch...

Cái gì cũng là công nghệ hết, quản lý mùa màng đều bằng công nghệ. Người ta dùng công nghệ để đoán, xác định rõ được rằng quả này khi ngắt xuống có thể định giá được là ra thị trường bao nhiêu tiền, quả này sẽ chín vào ngày nào trong năm, quả này cần lượng nước bao nhiêu, lúc nào cần kích thích tăng trưởng; một cây có bao nhiêu lá, muốn tuốt hết lá thì cần bao nhiêu nhân công trong bao nhiêu giờ tính được hết...

Có nghĩa là người ta tối ưu toàn bộ chi phí, tối ưu hóa toàn bộ vòng đời, từ đấy mới tạo ra những tiến bộ vượt bậc và thành tựu vô cùng lớn trong nông nghiệp.

Với một thị trường như vậy, với sinh hoạt và đặc tính con người như vậy, nhưng hẳn nhiên vẫn còn cơ hội cho nông sản Việt Nam, thưa ông?

Ngày 16/11/2021, hai nước đã rà soát lại về hợp tác thương mại song phương. Hai bên đều cho rằng danh mục các mặt hàng xuất nhấp khẩu nói chung có tính bổ trợ, không cạnh tranh.

Các mặt hàng của Việt Nam đưa vào Israel bao gồm có hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả (quả nhiệt đới như vải, nhãn, thanh long, xoài, dừa…). Trong quá trình phát triển thị trường Israel, cũng cần tính đến mặt hàng cao su tự nhiên, sản phẩm gỗ...

Được biết, hai nước đang ở giai đoạn cuối đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

Theo tôi được biết, hai bên sẽ nhận bản chào cuối cùng về các quy định liên quan đến dòng hàng hóa của nhau, xuất nhập khẩu vào thị trường của nhau. Khả năng ký được FTA là lớn và sớm. FTA giữa Việt Nam và Israel là một thỏa thuận mang tính truyền thống về thương mại tự do, chủ yếu liên quan đến cắt giảm các dòng thuế, hay người ta còn gọi là “FTA thế hệ cũ”. Trong thời gian nhất định, các dòng thuế sẽ giảm dần, đang từ 100% hoặc nhiều hơn sẽ giảm xuống còn 70%, rồi 50%, 20%, 10%, 5% rồi đến thuế 0% và lộ trình áp dụng riêng với từng mặt hàng.

Trong quá trình đàm phán thì người ta cũng tính đến chuyện để cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai bên dần thích nghi thông qua lộ trình giảm dần đó để tránh việc sáng dậy thấy hôm trước đang mua 10 đồng thì hôm nay như cho không, tránh những hiệu ứng kiểu như vậy.

Israel là một thị trường cấp cao, rõ ràng là hàng hóa muốn xuất khẩu vào thị trường đó thì tiêu chuẩn cũng phải rất cao. Nông sản Việt muốn xâm nhập thì cần chú ý những mặt gì?

Thứ nhất chắc chắn là về chất lượng, nhưng có lẽ cần tiếp cận từ quan điểm người tiêu dùng. Người đi bán sản phẩm cũng nên đặt mình ở vai người tiêu dùng. Ví dụ mình ăn một tô phở thấy ngon, mang lại giá trị thực sự thì chắc chắn mình dành được thị phần. Hàng hóa Việt Nam cũng phải như thế, phải đẹp mắt, phải chất lượng, đủ tiêu chuẩn an toàn.

Cảm nhận ban đầu của người tiêu dùng đối với một sản phẩm rất quan trọng, khi nếm thử mà thất ổn thì bao giờ ấn tượng cũng đọng lại rất lâu và từ đó còn lan tỏa tiếp đi.

Việt Nam và Israel là hai nước có sự khác biệt về văn hóa. Liệu cần phải chú ý những điểm gì có liên quan đến văn hóa tiêu dùng khi tiếp cận thị trường Israel?

Israel là vùng đất khởi nguồn ba tôn giáo độc tôn lớn nhất thế giới: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo. Về cơ bản, Israel hầu như không tiêu thụ thịt lợn (do cộng đồng người Thiên chúa giáo không đáng kể).

Với người theo đạo Hồi, phải đặc biệt chú ý bộ tiêu chuẩn Halal, còn người Do Thái thì có yêu cầu về Kosher. Hai nguyên tắc khác nhau nhưng đều quy định rõ loại thực phẩm gì được hay không được ăn, quy định về giết mổ.

Tuy nhiên, có một điểm rất đáng mừng là người dân Israel có đặc trưng là rất “mở”, không quá khắt khe nếu từ đầu mình đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Họ rất dễ tiếp cận với nhiều loại hình ẩm thực khác nhau của các nước trên thế giới. Người Israel sống ở Việt Nam hay sang đây du lịch đều đánh giá tốt về các món ăn Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Sau khi bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia khối Ảrập, Israel đã đầu tư rất mạnh về công nghệ tại nước đối tác, đi đầu là Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). UAE là một cổng vào rộng mở, quan trọng của thị trường các nước Ảrập, một cửa ngõ logistics của thế giới, Israel lại có công nghệ tiên tiến nên hiệu quả có thể nói là rất cao.

Việt Nam nên coi đây là một cơ hội gián tiếp, cần sớm tính tới kế hoạch thiết lập một kho ngoại quan tại UAE. Mình tập trung hàng hóa ở đấy, luôn sẵn sàng để chỗ nào cần mua thì bốc hàng lên tàu chuyển đi khắp nơi. Đấy là một điểm trung chuyển cỡ lớn nhất thế giới, đặc biệt là về đường hàng không, cũng có thể là đường biển, rất thuận tiện. Tại đó, mình cũng hợp tác với Israel về công nghệ phân phối.

Người Israel làm thương mại vô cùng tốt, khả năng tiếp thị và bán hàng hàng đầu thế giới. Kéo được 2 bên vào cùng với mình, tôi nghĩ hàng Việt sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường thế giới tốt và nhanh hơn.

Nguồn: nongnghiep.vn