• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh sang Trung Quốc
Chế biến sản phẩm từ dừa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre.

Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh sang Trung Quốc

(Cập nhật: 06/03/2023)

BDK - Đoàn công tác tỉnh Bến Tre và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa có buổi gặp gỡ, trao đổi định hướng tăng cường hợp tác thương mại, kết nối giao thương hàng hóa, nhất là trái dừa và các loại nông sản khác của Bến Tre.


Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dừa

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 doanh nghiệp (DN) có xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu là các DN ngành dừa. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh sang thị trường Trung Quốc trong 2 năm 2021 - 2022 đạt 360 triệu USD, tăng bình quân 18,42%/năm. So với tổng KNXK toàn tỉnh, thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng từ 10 - 15%/năm.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ dừa, với tỷ trọng 70%, gồm: dừa khô (dừa hột) khoảng 30%, chỉ xơ dừa 20%, kẹo dừa 5%, lưới xơ dừa 5%, thạch dừa 5%, cơm dừa nạo sấy 5%, nước cốt dừa 10%...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã kiến nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Bến Tre xuất khẩu các sản phẩm chủ lực vào thị trường Trung Quốc, nhất là trái dừa khô và dừa uống nước được xuất khẩu chính ngạch.

Bến Tre có nhiều tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đặc biệt là đảo Hải Nam. Đây là nơi đang có nhu cầu về phát triển ngành dừa rất lớn và cũng là địa phương đang tập trung phát triển rất mạnh về cây dừa.

Dừa là một trong những cây trồng chủ lực của Bến Tre. Tổng diện tích dừa toàn tỉnh đạt 78 ngàn ha, tương đương sản lượng trên 800 triệu trái/năm, phân bố trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Lượng dừa uống nước khoảng 390 triệu trái (tương đương 16 ngàn ha) và chiếm khoảng 20% tổng diện tích dừa toàn tỉnh.

Vấn đề hiện nay là một số sản phẩm tiềm năng của Bến Tre là dừa (dừa khô và dừa uống nước) chưa được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Thời gian thẩm định và duyệt cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của phía cơ quan chức năng Trung Quốc có lúc kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN tỉnh.

Đoàn công tác tỉnh Bến Tre cũng thông tin với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, một số DN sản xuất thực phẩm, nhất là sản phẩm từ dừa xuất khẩu qua Trung Quốc còn gặp khó trong việc đăng ký mã số DN theo Lệnh 248 ngày 12-4-2021 về việc ban hành “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Lệnh số 249 ngày 14-4-2021 về việc ban hành “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Thời gian chờ phía Trung Quốc xét duyệt cấp cũng khá lâu (trên 6 tháng), ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Thông qua hoạt động kết nối, hỗ trợ của các đại sứ, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu nhập khẩu nông sản và các quy định về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc để tỉnh tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến từng mặt hàng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.

Hợp tác thương mại, đầu tư

Trao đổi trực tiếp với ngài Đại sứ Hùng Ba - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ thông tin, nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ, đối tác lớn của tỉnh và tỉnh mong muốn sẽ cùng đồng hành phát triển đôi bên cùng có lợi trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị, ngài Đại sứ, Tham tán thương mại cũng như các cơ quan Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam hỗ trợ Bến Tre trong việc kết nối xúc tiến thương mại, đầu tư, mời các DN của Trung Quốc sang thăm Việt Nam và thăm Bến Tre trong thời gian sớm nhất. Qua đó, kết nối thương mại, thu hút đầu tư, kể cả đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bên cạnh thế mạnh về cây dừa, Bến Tre còn có thế mạnh về các loại nông sản khác, như: sầu riêng, bưởi, cây giống, hoa kiểng, thủy hải sản, con nghêu, tôm, bò… Đến nay, toàn tỉnh có 28 vùng trồng được cấp 59 mã số với diện tích 550,18ha; trong đó, bưởi da xanh có 16 vùng trồng gắn 30 mã số, chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 8 mã số, xoài có 5 vùng trồng gắn 17 mã số, sầu riêng có 3 vùng trồng gắn 3 mã số, nhãn có 1 vùng trồng gắn 1 mã số.

Có 4 DN được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, cụ thể: Công ty cổ phần Tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu và Trung Quốc; Công ty TNHH MTV Định Kiều (Chợ Lách) xuất khẩu chôm chôm sang Trung Quốc; Công ty TNHH TM DV XNK VINA T&T (Châu Thành) xuất khẩu vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn… sang thị trường Hoa Kỳ, Thái Lan và sầu riêng sang Trung Quốc; Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers (Giồng Trôm) xuất khẩu bưởi da xanh, xoài sang thị trường EU, sầu riêng sang Trung Quốc.

Ngài Đại sứ Hùng Ba - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, thống nhất việc hai bên sẽ phối hợp đẩy mạnh xuất khẩu dừa nói riêng và các nông sản khác nói chung. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc với Bến Tre trên các lĩnh vực mà hai bên quan tâm trong thời gian tới. Phía tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng sẵn sàng hoan nghênh đoàn công tác tỉnh Bến Tre đến Hải Nam để trao đổi, hợp tác sắp tới.

Toàn tỉnh có khoảng 180 DN và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa như: các sản phẩm từ vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ); nhóm sản phẩm từ gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa); nhóm sản phẩm từ cơm dừa (cơm dừa sơ chế, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa...); nhóm sản phẩm từ nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp). Mỗi năm, các DN tỉnh sản xuất gần 50 ngàn tấn cơm dừa nạo sấy; 100 triệu lít nước cốt dừa; 40 triệu lít nước dừa đóng lon; 30 ngàn tấn chỉ xơ dừa; 12 ngàn tấn than hoạt tính…
Nguồn: Baodongkhoi.vn