• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tràn lan khẩu trang vải kháng khuẩn không có nhãn mác
Nhiều loại khẩu trang kháng khuẩn không có tem, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được giao bán tràn lan

Tràn lan khẩu trang vải kháng khuẩn không có nhãn mác

(Cập nhật: 23/03/2020)

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các mặt hàng khẩu trang đã được các doanh nghiệp sản xuất chú trọng nâng cao chất lượng. Sự đa dạng của khẩu trang vải kháng khuẩn giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được sản phẩm trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều loại khẩu trang được bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là trên chợ mạng, gây khó cho người dùng khi lựa chọn, mua sắm.

 

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc người dân phải đeo khẩu trang tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... thị trường khẩu trang sôi động trở lại. Ngoài các cửa hàng bán sản phẩm của các công ty dệt may như Dệt kim Đông Xuân, Vinatex hay tại các siêu thị… người tiêu dùng có thể mua được khẩu trang vải kháng khuẩn tại nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa và đặc biệt là trên mạng xã hội hay các sàn hàng thương mại điện tử.

Tại các chợ, hầu như quầy sạp quần áo nào cũng bán khẩu trang. Chị Lê Thị Lan, tiểu thương bán buôn quần áo tại chợ Ninh Hiệp cho biết: “Hầu hết các mối của mình là khách lẻ lấy bán ở các chợ và bán online. Mình bán khá nhiều loại, mẫu mã đa dạng, khẩu trang vải 3D Hàn Quốc, vải su, vải gió, vải phủ nano bạc, vải kháng giọt bắn, vải kháng bụi, kháng khuẩn... Giá sỉ dao động từ 3.000 – 10.000 đồng/chiếc. Mình cũng không rõ khẩu trang có thực sự kháng khuẩn được hay không. Thấy nhu cầu của khách hàng về mặt hàng này vẫn lớn nên hằng ngày mình vẫn bán đều. Chủ yếu hàng ở chợ toàn hàng xưởng may ra, hàng công ty thì không đến lượt mình”.

Khảo sát một số trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, hay các hội nhóm bán hàng trên Facebook, có thể dễ dàng tìm thấy đủ mọi loại khẩu trang kháng khuẩn đang được rao bán với giá dao động từ 4.000 - 35.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, tìm hiểu nhiều trang cá nhân bán lẻ thì được biết, hầu hết hàng đều được nhập từ các xưởng tự mua nguyên liệu về rồi sản xuất và cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, khi hỏi về tem, nhãn mác hay địa chỉ sản xuất, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thì chỉ có một số shop có, còn lại phần nhiều chủ hàng cho biết là không có.

Chị Nguyễn Thị Minh, chuyên bán trên chợ online chia sẻ: “Mình bán đầy đủ các đặc sản vùng miền như hoa quả, đồ ăn. Từ đợt có dịch, thấy khẩu trang khá “hót” nên mình cũng tìm mối bán. Mình tìm mối nhập trên các hội nhóm chị em, chỗ nào mẫu mã đẹp, chất lượng, mà giá cả phải chăng thì mình nhập. Loại khẩu trang kháng khuẩn gần đây mình bán khá đắt hàng. Còn về nguồn gốc thì mình cũng không rõ. Chỉ biết họ nói là vải đã được kiểm định trước khi sản xuất”.

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất khẩu trang nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cơ sở tư nhân cũng chuyển tay ngang sang sản xuất ồ ạt vài tháng qua. Anh Nguyễn Hoàng Việt, chủ một xưởng may tư nhân trên địa bàn Hà Nội cho biết, do các mặt hàng may mặc ế ẩm, tận dụng được nhân công, nắm được nhu cầu của thị trường anh đã đầu tư một máy cắt và một máy vắt xổ. Làm cật lực 1 ngày cũng sản xuất được 5.000-10.000 cái với khoảng 3 người làm. Hiện giá anh bán sỉ là 3.000 đồng/cái. Nguồn vải làm khẩu trang là từ chất liệu poly và được lấy tại chợ Ninh Hiệp.

Anh Việt cũng cho biết, không chỉ cơ sở anh mà nhiều cơ sở may mặc khác cũng đã chuyển qua sản xuất khẩu trang. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mặt hàng này xuất hiện ngày càng tràn lan trên thị trường, mẫu mã thì đa dạng, còn về chất lượng, độ tin cậy của sản phẩm vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chính sự tràn lan của các loại khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường hiện nay cũng khiến cho người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn mua sắm. Ngoài các công ty có tên tuổi thì những sản phẩm khác trên thị trường liệu có đảm bảo độ an toàn, tin cậy đối với người tiêu dùng.

Chị Mai Thị Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình sẵn sàng chi tiền mua khẩu trang tốt, chất lượng để bảo vệ bản thân và gia đình trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên để phân biệt được sản phẩm như thế nào là tốt thật không dễ. Nhiều sản phẩm mình mua về chỉ có mỗi tên sản phẩm là “Khẩu trang kháng khuẩn” và tên công ty sản xuất, còn lại không có địa chỉ, số ký hiệu kiểm định. Cần thì cứ dùng thôi chứ thực chất mình cũng không phân biệt sản phẩm đó có tốt hay không”.

Ông Hà Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng trang thiết bị y tế - Viện Trang thiết bị và công trình y tế - cho biết, hiện nay trên thị trường đang lưu hành các loại khẩu trang y tế đạt chuẩn và không đạt chuẩn. Trung tâm cũng đang thực hiện việc giám định một số cơ quan quản lý thị trường về các mẫu khẩu trang, có những mẫu thì đạt, nhưng có những mẫu thì không đạt. Khẩu trang không đạt sẽ không được sử dụng trong các cơ sở y tế. Và đối với người dân, việc sử dụng các loại khẩu trang không đảm bảo chất lượng rất dễ dẫn đến người dùng vẫn có khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Chia sẻ về tiêu chí để đánh giá như thế nào là khẩu trang đạt chuẩn, ông Thanh cho biết, căn cứ để đánh giá khẩu trang đạt chuẩn là dựa theo Tiêu chuẩn Việt Nam 8389/1 đối với khẩu trang y tế thông thường và 8389/2 đối với khẩu trang kháng khuẩn. Do vậy, để lựa chọn được khẩu trang vải kháng khuẩn đảm bảo tiêu chuẩn, phòng ngừa dịch Covid-19, người tiêu dùng cần tìm địa chỉ bán sản phẩm có uy tín, có tem mác, số công bố của sản phẩm... nhằm tránh mua phải những sản phẩm khẩu trang không đảm bảo chất lượng dễ dẫn tới công tác phòng bệnh không được hiệu quả.

Được biết, trước nhu cầu về khẩu trang của người dân tăng cao, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất các loại khẩu trang vải kháng khuẩn. Hiện tại, các doanh nghiệp hoàn toàn đủ năng lực sản xuất khẩu trang y tế về mặt công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử