• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kết quả kiểm tra hoạt động thương mại điện tử năm 2024
Đoàn kiểm tra đang thực hiện kiểm tra hoạt động thương mại điện tử tại doanh nghiệp

Kết quả kiểm tra hoạt động thương mại điện tử năm 2024

(Cập nhật: 17/10/2024)
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã không còn là khái niệm xa lạ. Song song với sự phát triển của công nghệ thông tin, TMĐT cũng ngày càng phát triển vượt bậc.
Riêng địa bàn tỉnh Bến Tre, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá
trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh trong tình hình mới.
Theo kết quả thống kê (tính đến hết ngày 30/9/2024), trên hệ thống quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công thương (http://online.gov.vn/), tỉnh Bến Tre có khoảng 160 tổ chức, cá nhân có thông báo website TMĐT bán hàng, 01 website cung cấp dịch vụ TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận, duyệt điện tử; nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng website TMĐT, ứng dụng facebook, youtube, zalo, tiktok… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…; hơn 3.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền với Nhà đăng ký tên miền (bao gồm tên miền “.vn” và tên miền quốc tế) do Bộ Thông tin và Truyền thông (VNNIC) quản lý. Theo Báo cáo chỉ số TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2024 thì Bến Tre xếp hạng 33/58 tỉnh, thành được khảo sát.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động TMĐT, cũng như góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động giao dịch TMĐT, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh; Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố, tiến hành kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động website TMĐT.
Kết quả kiểm tra cụ thể như sau: Tổng số tổ chức, cá nhân có website TMĐT đã kiểm tra: 16 (07 tổ chức và 09 cá nhân); số tổ chức, cá nhân thực hiện tốt: 13/16 (tỷ lệ 81,25%); số tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt: 03/16 (tỷ lệ 18,75%), xem xét nhắc nhở, cho thời gian khắc phục đối với 03 trường hợp (không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính).
Qua đợt kiểm tra năm 2024 cho thấy, đa số tổ chức, cá nhân hoạt động website TMĐT có tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động TMĐT, không phát hiện vi phạm quy định cấm tại Điều 4, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt các quy định của pháp luật về hoạt động website TMĐT như chưa thực hiện hoàn tất thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (02 trường hợp); không thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động website TMĐT (01 trường hợp).
Bên cạnh đó, tỷ lệ tổ chức, cá nhân đăng ký website TMĐT bán hàng (có chức năng đặt hàng trực tuyến) không nhiều (06/16 website, tỷ lệ 37,5%); đồng thời, hoạt động mua bán hàng hóa, sản phẩm trực tuyến trên website TMĐT cũng rất ít. Phần lớn các tổ chức, cá nhân được kiểm tra sử dụng website TMĐT để đăng tải thông tin liên quan đến cơ sở, doanh nghiệp, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu hình ảnh cơ sở, doanh nghiệp và các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng. Khách hàng khi có nhu cầu mua sản phẩm, hàng hóa sẽ đến trực tiếp cở sở, doanh nghiệp hoặc liên hệ qua điện thoại để được tư vấn, hướng dẫn và giao dịch. Việc đăng ký website TMĐT còn mang tính hình thức, thủ tục, có trường hợp tổ chức, cá nhân sau khi đăng ký tên miền thì không quan tâm đến website hoạt động thế nào, không thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến hiệu quả mang lại từ hoạt động TMĐT không nhiều.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT, về tác hại của các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh trong môi trường TMĐT; phòng ngừa các website giả mạo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng người tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng như Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố... thường xuyên trao đổi thông tin về các thủ đoạn lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật; các vụ việc vi phạm phát hiện; những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực chuyên ngành để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
(Nguồn: Kim Xuyến-TT SCT)