• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình xây dựng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2018 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Chợ Ba Tri, Thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri (Nguồn: QLTM)

Tình hình xây dựng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2018 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 07/08/2019)
Từ năm 2011 đến nay, để xây dựng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện: Công văn số 3252/UBND-KTN ngày 10/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm ngành công thương; Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 06/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân bổ kinh phí và điều chỉnh kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011; Quyết định số 1226/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc giao dự toán ngân sách các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012; Công văn số 4821/UBND-KTN ngày 19/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt đề cương dự án ”Định hướng và xây dựng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh đến năm 2015”,....

Trong năm 2011, Sở Công Thương đã được Bộ Công Thương chọn để thực hiện dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng kinh phí là 500 triệu đồng, triển khai thực hiện tại 02 chợ: chợ Bến Tre – Phường 3, thành phố Bến Tre (quầy rau; quầy thủy hải sản) và chợ thị trấn Ba Tri - huyện Ba Tri (quầy thịt), các chợ đã hoạt động có hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà còn có hiệu quả về môi trường, đáp ứng kịp thời vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ hạng 1 và hạng 2, đóng vai trò phát luồng hàng hóa đến các chợ khác.
Sau thành công từ mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, việc nhân rộng mô hình ra các chợ trên địa bàn tỉnh là một đòi hỏi cấp bách, thiết thực cần phải thực hiện trong những năm tiếp theo. Năm 2012, Sở Công Thương tiếp tục được Bộ Công Thương hỗ trợ để xây dựng nhân rộng dự án mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại 02 chợ Bến Tre và chợ thị trấn Ba Tri, để tiếp tục xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh các quầy hàng kinh doanh khác: quầy bánh bún, đậu hủ, mắm, thịt gia cầm sạch và củ quả trong chợ đạt chuẩn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh tại chợ, góp phần quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn, song song đó cũng đã định hướng lộ trình nhân rộng mô hình giai đoạn tiếp theo trên phạm vi toàn tỉnh.
Năm 2017, được sự chấp thuận chủ trương và phê duyệt kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Dự án nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông thủy sản phường 8, thành phố Bến Tre; trong đó thực hiện hạng mục xây mới, cải tạo rãnh thu gom nước thải, xây dựng mới, dán gạch 83 quầy hàng trong chợ, tập huấn cho các hộ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là chợ đóng vai trò phân phát luồng hàng đến các chợ khác trong tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 14 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác và quản lý, đã xây dựng theo mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng tiêu chí 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, với tổng vốn đầu tư là 143,091 tỷ đồng.
Việc triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội mà còn mang lại hiệu quả về môi trường:
Hiệu quả về kinh tế: Các chợ trong dự án được hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo lại các quầy, sạp kinh doanh hàng thực phẩm đúng tiêu chuẩn đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của nhiều khách hàng khi lựa chọn mua hàng hóa là thực phẩm, nhất là các bếp ăn tập thể. Dự án hoàn thành đã giúp các tiểu thương bán được hàng hoá nhiều hơn làm cho doanh thu và lợi nhuận của người bán tăng lên. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương cũng giảm được một phần kinh phí để đầu tư cho chợ, tạo được bộ mặt khang trang, văn minh góp phần thực hiện thành công trong việc xây dựng chợ văn hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả về xã hội: Chợ được xây dựng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đóng góp cho toàn xã hội có được môi trường kinh doanh an toàn; quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng được đảm bảo, chất lượng hàng hóa ngày càng được chú trọng và tạo được thói quen, ý thức trong kinh doanh, tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa thực phẩm tại các chợ.
Hiệu quả về môi trường: Các chợ được xây dựng đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm giúp cho môi trường được cải thiện, vệ sinh ngày càng được nâng cao, mang lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua khi tham gia mua bán tại chợ.  
Nguồn: QLTM-SCT