• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Nông dân “tỷ phú” trong sản xuất, kinh doanh
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh của “Vua kiểng” Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

Nông dân “tỷ phú” trong sản xuất, kinh doanh

(Cập nhật: 15/08/2019)

Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre được thành lập vào ngày 18-7-2018, với số lượng ban đầu có 20 thành viên. Đến nay, CLB được đánh giá hiệu quả hoạt động khá thành công, bước đầu khẳng định vai trò nòng cốt góp sức cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Lan tỏa tinh thần vươn lên làm giàu

Thành viên CLB Nông dân tỷ phú là những nông dân được tuyên dương là “vua” nông nghiệp của tỉnh, đối với 8 mặt hàng nông sản chủ lực, theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Những ông “vua” nông nghiệp được đánh giá theo bộ tiêu chí cụ thể do Hội Nông dân tỉnh tham mưu ban hành. Theo đó, “vua” đối với từng sản phẩm của tỉnh phải đạt theo tiêu chí về diện tích, sản lượng, doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm, mô hình sản xuất hiệu quả, kỹ thuật sản xuất tốt…

Ông Huỳnh Văn Quận, xã Giao Long, huyện Châu Thành là “vua bưởi” Bến Tre, đồng thời là Chủ nhiệm CLB cho biết: Tôi rất vinh dự được tham gia CLB và đóng vai trò dẫn dắt các thành viên. Định kỳ 2 tháng 1 lần, động viên các thành viên trong CLB chia sẻ cùng nhau trong các sản phẩm khác nhau. Bàn bạc làm gì để hiệu quả, giúp nông dân tỉnh nhà có mô hình học tập, làm theo. Sau hơn 1 năm hoạt động, các thành viên được giao lưu học tập, nâng cao chất lượng sản phẩm về mọi mặt.

“Bản thân tôi được tham quan, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với nhiều nông dân giỏi khác, cập nhật kiến thức mới. Tôi nhận định, đối với sản phẩm bưởi da xanh nói riêng và các sản phẩm chủ lực nói chung, muốn xuất khẩu được nông dân phải liên kết hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tiêu chuẩn sạch thì mới xuất khẩu được. Nếu người dân không thay đổi được thói quen sản xuất truyền thống thì chính người nông dân thiệt thòi. Muốn nông dân làm theo thì bản thân tôi phải tiên phong đi đầu. Tôi đang theo mô hình VietGAP, vận động bà con xây dựng Hợp tác xã bưởi da xanh Giao Long. Kết quả, Hợp tác xã được chứng nhận tiêu chuẩn GAP vào cuối năm 2018”, “vua bưởi” kể.

Ông Lê Nhựt Chiêu - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh cho hay, trong từng cuộc họp CLB, các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ cây trồng đến vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của mô hình. Về thị trường, qua kênh sinh hoạt, các thành viên thông tin với nhau về thị trường, để làm sao cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Các nông dân nhận biết được rằng thị trường cần gì để điều chỉnh sản xuất. Các doanh nghiệp tham gia sinh hoạt CLB cũng thông tin, định hướng CLB sản xuất, giải quyết được thị trường cho CLB. Ngoài ra, những thành viên luôn cố gắng làm cho mô hình của mình ngày càng hiệu quả. Mô hình của họ đã làm lan tỏa đến những hộ xung quanh rất cao. Mỗi thành viên trong CLB là một điển hình về mô hình sản xuất có sự phát triển khá tốt.

Phát huy vai trò nòng cốt

“Tôi mong rằng, thời gian tới, chính quyền các cấp hỗ trợ thêm cho CLB để nhân rộng mô hình ra nông dân. Hướng tới, CLB sẽ sinh hoạt mở rộng, mời thêm nhiều bà con tham gia, vận động họ tham gia, phát triển kinh tế dần dần, giúp những người dân chưa là tỷ phú có thể trở thành tỷ phú”.

(Chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú tỉnh Huỳnh Văn Quận)

Đến nay, CLB đã phát triển lên 32 thành viên và thành lập được các tổ chuyên về các sản phẩm như: tổ bưởi, tổ dừa, tổ sầu riêng, tổ chôm chôm, tổ nuôi bò. Có thể khẳng định, CLB Nông dân tỷ phú là một mô hình rất phù hợp với việc phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, được nông dân đồng tình hưởng ứng tham gia, được các sở, ngành trong tỉnh hỗ trợ trong hoạt động. CLB đã góp phần “truyền lửa”, thôi thúc tinh thần hăng say lao động, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất của nông dân ngày càng mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách - “vua kiểng” hiện đã phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa kiểng Lâm Nga, xây dựng nhà lưới, định hướng kết hợp làm du lịch, tạo bước khởi đầu mới so với trước đây. Mô hình của bà hứa hẹn sẽ đột phá cho ngành sản xuất hoa kiểng Cái Mơn gắn với phát triển du lịch. Hay với “vua dừa” Ngô Văn Hội, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, mặc dù giá dừa xuống giá nhưng ông trồng xen, nuôi xen những sản phẩm khác trong vườn dừa, giúp giữ vững thu nhập. “Vua bò” Lưu Văn Cõi cũng đã thay đổi cách thức cho bò ăn, tạo chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng thịt bò, tạo sự lan tỏa, học cách làm theo cho người dân trong khu vực.

Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lao Văn Trường cho hay, Hội Nông dân tỉnh sẽ đồng hành chia sẻ với CLB, với mong muốn giúp CLB duy trì, phát triển mạnh hơn. Việc phát triển thêm hội viên sẽ nhằm tôn vinh, ghi nhận những nông dân sản xuất giỏi, làm giàu ngay chính trên mảnh đất của mình.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành Lê Quang Vịnh lưu ý về phương hướng hoạt động: “Các thành viên trong CLB phải là người nông dân tiên phong đi đầu trong sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, tái chứng nhận các tiêu chuẩn đó để người dân làm theo. Duy trì sinh hoạt CLB để trao đổi, học hỏi cái mới, theo chuyên đề; từng cuộc họp có doanh nghiệp, lãnh đạo, các đơn vị liên kết theo hướng chuỗi…”.