• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Một số lưu ý khi xuất khẩu măng cụt tươi sang thị trường Trung Quốc
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật trình bày về các quy định thị trường đối với rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Một số lưu ý khi xuất khẩu măng cụt tươi sang thị trường Trung Quốc

(Cập nhật: 10/11/2020)
Ngày 27 tháng 10 năm 2020; tại khách sạn Royal Hotel, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo quốc tế “Trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam – Trung Quốc”.

Tại Hội thảo, các đơn vị tham gia lần lượt trình bày tình hình, tiềm năng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc cùng những vấn đề phát sinh, từ đó nêu rõ các giải pháp triển khai nhằm khắc phục những vấn đề trên; bên cạnh đó, thủ tục xuất khẩu rau quả tươi sang thị trường Trung Quốc cũng được các chuyên gia tập trung khai thác, đáng chú ý là quy trình xuất khẩu măng cụt tươi sang Trung Quốc.

Măng cụt là một trong chín loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc kể từ ngày 25/4/2020. Đây là một tín hiệu vui cho ngành nông sản Việt nói chung và nông sản Bến Tre nói riêng. Trước đây, khi chưa được cấp phép xuất khẩu, hầu hết các sản phẩm măng cụt được xuất đi dưới hình thức biên mậu (tiểu ngạch) sang Trung Quốc. Chính điều này đã dẫn đến hệ lụy giá nông sản rớt thê thảm và vấn nạn giải cứu nông sản trong những năm vừa qua.

Bên cạnh tín hiệu tích cực, chúng ta vẫn phải cố gắng để đáp ứng các rào cản kỹ thuật mà chính phủ Trung Quốc đưa ra áp dụng cho sản phẩm măng cụt như yêu cầu về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và không nhiễm 09 loại dịch hại như: bactrocera cerrecta (hendel), bactrocera zonata (saunders), dysmicoccus lepelleyi (betrem), dysmicoccus neobrevipes (beardsley), planococus minor (maskell), planococus lilacius (cockerell), paraputo odontomachi (takahashi), pseudococcus cryptus (hempel) và vinsonia stellifera (westwood).

Không những vậy, tất cả các vườn trồng, cơ sở đóng gói măng cụt tươi xuất khẩu phải được đăng ký với MARD và GACC; các vườn trồng xuất khẩu đã đăng ký phải được xây dựng và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hiện quản lý tổng hợp dịch hại (IPM) và có hồ sơ theo dõi, kiểm soát dịch hại. Quy trình đóng gói sản phẩm dùng cho xuất khẩu cũng được quản lý hết sức chặt chẽ, cụ thể là: (1) trong quá trình đóng gói, phải sử dụng súng phun nước hoặc áp suất cao để làm sạch vỏ trái; (2) cần chọn lọc, phân loại và làm sạch vỏ trái để loại bỏ côn trùng cũng như chất bẩn nhằm đảm bảo măng cụt không bị nhiễm côn trùng và nhện, không có quả thối, cành con, lá, rễ và đất; (3) trong khi đóng gói cần đặt biệt chú ý không để kiến gây ảnh hưởng tới quả tươi và xâm nhập hộp đựng; (4) vật liệu đóng gói phải sạch, vệ sinh và chưa qua sử dụng; (5) tất cả các hộp đựng đều phải được ghi loại trái cây, xuất xứ, quốc gia, vườn trồng hoặc số đăng ký của vườn trồng, cơ sở đóng gói hoặc số đăng ký của cơ sở đóng gói,... bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh; (6) tất cả hộp đựng phải ghi chữ “Để xuất khẩu đi Trung Quốc” bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.Đặc biệt các tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải thể hiện rõ các thông tin mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Có thể thấy để xuất khẩu quả măng cụt tươi sang một thị trường tiềm năng như Trung Quốc là không hề dễ dàng bởi Trung Quốc đang áp dụng kiểm soát hết sức gắt gao các hàng hóa qua biên giới. Nhưng nếu chúng ta nổ lực để đáp ứng tất cả các tiêu chí mà Trung Quốc đưa ra thì khả năng trong tương lai gần các mặt hàng nông sản Việt nói chung và sản phẩm măng cụt nói riêng sẽ có thể vươn xa, vươn cao hơn trên thị trường thế giới, từ đó làm bàn đạp tạo nguồn thu nhập tốt cho người nông dân cũng như hạn chế tối đa vấn nạn giải cứu nông sản trong những năm qua./.
Nguồn: TT.KC&XT – SCT