• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2021

(Cập nhật: 28/06/2021)
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2021 (sau đây gọi tắt là Hội thi) như sau:
1. Mục đích:
– Hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
– Tạo môi trường để các tác giả giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
– Thông qua Hội thi nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;
– Giải thưởng của Hội thi sẽ là một trong những điều kiện để đề xuất công nhận nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
2. Phạm vi, đối tượng dự thi:
Phạm vi: Trên phạm vi cả nước.
– Đối tượng dự thi: Tất cả các tổ chức, cá nhân không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng sáng tác, thiết kế, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế (trừ các thành viên trong Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo).
3. Nội dung, hình thức dự thi
a) Sản phẩm dự thi: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc 5 nhóm đáp ứng được tiêu chí theo Quy chế Hội thi được ban hành, gồm:
1) Nhóm gốm sứ và thủy tinh
2) Nhóm dệt và thêu;
3) Nhóm mây, tre, lá;
4) Nhóm sơn mài, khảm trai; gỗ mỹ nghệ
5) Nhóm khác (mỹ nghệ sừng, trai ốc, chạm khắc đá kim khí; hoa, tranh, …).
b) Yêu cầu sản phẩm dự thi
– Sản phẩm mới, do chính tác giả hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu, không phải là sản phẩm sao chép.
– Sản phẩm chưa đạt giải tại các hội thi khác ở trong và ngoài nước.
– Mỗi tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể gửi 01 hoặc một số sản phẩm, bộ sản phẩm dự thi.
– Các tác giả, nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm dự thi. Ban tổ chức Hội thi không chịu trách nhiệm về những tranh chấp xảy ra có liên quan đến bản quyền của sản phẩm dự thi. Những sản phẩm vi phạm bản quyền, sản phẩm không phải do tác giả hoặc nhóm tác giả tạo mẫu sẽ không được xem xét trao giải hoặc bị thu hồi giải thưởng (trường hợp giải thưởng đã được công bố).
– Đối với trường hợp sản phẩm dự thi là của nhóm tác giả hồ sơ dự thi phải kèm theo văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một tác giả là người đại diện tham gia dự thi; người đại diện sẽ thay mặt tập thể liên hệ với Ban tổ chức Hội thi cũng như chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến sản phẩm dự thi.
c) Hồ sơ dự thi
– Đơn đăng ký dự thi;
– Bản mô tả sản phẩm;
– Sản phẩm dự thi kèm 03 ảnh màu chụp các góc độ của sản phẩm kích cỡ 10x15cm và 01 ảnh màu của tác giả, kích cỡ 4x6cm;
– Văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một hoặc nhóm tác giả đứng ra đại diện dự thi (nếu sản phẩm dự thi thuộc nhiều tác giả).
d) Tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi
– Sản phẩm ý tưởng mới, không sao chép.
– Sản phẩm có tính thẩm mỹ và kỹ năng cao, có công dụng rõ ràng thuận tiện cho người sử dụng.
– Sản phẩm mang giá trị tính truyền thống (nguyên liệu, tay nghề, văn hóa…), phù hợp với cuộc sống hiện nay.
– Sản phẩm thân thiện với môi trường (từ nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng) và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
– Có tiềm năng thị trường cao (có khả năng sản xuất hàng loạt đối với sản phẩm hàng hóa số lượng nhiều; có khả năng phát triển tác phẩm đối với sản phẩm đơn chiếc).
đ) Thời gian, địa điểm tổ chức: Hội thi được tổ chức 02 vòng: Sơ khảo và chung khảo, cụ thể như sau:
– Vòng sơ khảo: Tổ chức tại Hà Nội đối với các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra và tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với các tỉnh, thành phố phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.
+ Thời gian tiếp nhận sản phẩm: Dự kiến từ ngày 25/9 – 05/10/2021.
+ Thời gian chấm thi: Dự kiến từ ngày 10/10 – 18/10/2021.
– Vòng chung khảo: Tổ chức tại Hà Nội.
+ Thời gian chấm thi: Dự kiến từ ngày 27/10 – 30/10/2021.
+ Đối với những sản phẩm qua vòng sơ khảo tại TP Hồ Chí Minh sẽ được chuyển ra Hà Nội trước ngày 25/10/2021 để tham gia vòng chung khảo.
– Địa điểm tiếp nhận các sản phẩm và chấm thi:
+ Tại Thành phố Hà Nội: Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
+ Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Văn phòng phía Nam, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, số 271 Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh.
– Tổ chức Lễ trao giải gắn với khai mạc Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 17 hoặc các sự kiện xúc tiến thương mại làng nghề tại Hà Nội, dự kiến trong tháng 11 năm 2021.
Cơ cấu giải thưởng: Gồm 01 giải đặc biệt, 05 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba 15 giải khuyến khích và 10 giải thưởng chuyên đề như giải sản phẩm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, giải thân thiện với môi trường rừng, giải sản phẩm bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề, giải nhà thiết kế của năm, nghệ nhân của năm…. Các sản phẩm đạt giải được tặng thưởng theo Quy chế Hội thi. (Tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi xem xét điều chỉnh cơ cấu giải thưởng cho phù hợp).
4. Tổ chức thực hiện
a) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Tổ chức Hội thi, có trách nhiệm:
– Chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai Hội thi đảm bảo tiến độ.
– Thông báo, mời và tạo điều kiện thuận lợi nhất để có sự tham gia đông đảo của các đối tượng dự thi tại các địa phương.
– Họp báo, xây dựng các kênh truyền thông tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt là trên VTV1, VTV2, VTV3 dưới nhiều hình thức khác nhau).
– Thiết kế, in ấn quy chế, thể lệ Hội thi, giấy mời, kỷ niệm chương, bằng chứng nhận đạt giải và các sản phẩm tiêu biểu đạt giải.
– Tổ chức tiếp nhận, bảo quản, trưng bày và vận chuyển sản phẩm vòng chung khảo từ TP. Hồ Chí Minh; tổ chức chương trình làm việc của Hội đồng Giám khảo, hậu cần chấm thi vòng sơ khảo tại miền Nam.
– Tổng hợp danh sách sản phẩm đạt giải, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Trưởng Ban Tổ chức phê duyệt kết quả của Hội thi.
– Hỗ trợ các tác giả đạt giải đến nhận giải thưởng Hội thi và phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đón tiếp đại biểu tại Lễ công bố và trao giải thưởng.
b) Văn phòng Bộ: Phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan tổ chức họp báo và công tác tuyên truyền thông, quảng bá Hội thi.
c) Vụ Tổ chức cán bộ: Hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm đạt giải cao tại Hội thi. Trình Trưởng Ban tổ chức Hội thi tặng Bằng chứng nhận cho các sản phẩm đạt giải.
d) Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Tham mưu, bố trí kinh phí từ nguồn thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021 để tổ chức Hội thi.
e) Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp
– Tổ chức tiếp nhận, bảo quản, trưng bày sản phẩm; tổ chức chương trình làm việc của Hội đồng Giám khảo, hậu cần chấm thi vòng sơ khảo và chung khảo tại miền Bắc.
– Tổ chức gian trưng bày sản phẩm và tổ chức Lễ công bố, trao giải thưởng.
– Phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo và
công tác tuyên truyền thông, quảng bá Hội thi.
f) Báo Nông nghiệp Việt Nam: Tuyên truyền, quảng bá về Hội thi trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (báo giấy, báo điện tử).
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, các Sở, Ban ngành liên quan để truyên truyền và triển khai Hội thi có hiệu quả.
h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố
– Thông báo mời các tác giả có sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham gia.
– Giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách các tác giả,
sản phẩm dự thi; đôn đốc gửi sản phẩm dự thi về Ban Tổ chức Hội thi đúng tiến
độ và hỗ trợ tổ chức Hội thi.
i) Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công Mỹ nghệ Việt Nam
– Làm đầu mối kết nối, huy động sự hỗ trợ, đóng góp của các hội, hiệp hội ngành nghề và các tổ chức, cá nhân để tổ chức Hội thi.
– Hỗ trợ thành lập tổ tư vấn kỹ thuật để hỗ trợ cho các đối tượng dự thi về định hướng các sản phẩm có tiềm năng về thị trường đáp ứng được các tiêu chí của Hội thi, xu hướng thiết kế….
– Hỗ trợ xây dựng nội dung, các tài liệu truyền thông, pano, ấn phẩm, thông báo và hồ sơ Hội thi.
– Hỗ trợ quảng bá sản phẩm đạt giải đến khách hàng trong và ngoài nước.
j) Các Hội, Hiệp hội ngành nghề khác:
Phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia Hội thi; đồng thời, hỗ trợ công tác tuyên truyền quảng bá Hội thi trên các Website của Hiệp hội, các thành viên Hiệp hội và tham gia vào công tác tổ chức Hội thi.

Agritrade

Nguồn: craft-viet.com.vn


Tin cùng loại