• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội nghị hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc
Quang cảnh hội nghị

Hội nghị hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc

(Cập nhật: 04/05/2021)
Nhằm hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp phía Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông sản, ngày 23/4/2021 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc tới các tỉnh phía Nam” tại Trung tâm phục vụ Hội nghị tỉnh Long An.

Hội nghị có sự góp mặt của ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; bà Lê Hoàng Anh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi; các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc; các đại biểu là lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh phía Nam; các báo, đài, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu nông sản các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phát biểu chào mừng hội nghị và giới thiệu khái quát về tình hình xuất nhập khẩu tỉnh Long An nói chung và xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc nói riêng. Theo ông Lâm cho biết, hiện nay, lúa là cây chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng hơn 500.000ha, sản lượng 2,7-2,8 triệu tấn/năm; thanh long với diện tích 11.700ha, sản lượng gần 310.000 tấn; chanh chủ yếu là giống chanh không hạt với diện tích trồng gần 10.000ha, sản lượng trên 156.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 1.320ha áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất lúa, rau, quả và chăn nuôi thủy sản với hơn 200 doanh nghiệp chế biến nông sản. Về chế biến rau, củ, quả, có hơn 20 doanh nghiệp với quy mô dây chuyền hiện đại sử dụng các loại rau, quả tươi. Long An cũng là địa phương có diện tích lúa đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 2,7 – 2,8 triệu tấn/năm. Hiện, có trên 115 doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo với công suất chế biến và kho chứa lúa gạo thuộc loại lớn. Về chế biến hạt điều nhân có gần 50 doanh nghiệp. Một số sản phẩm đặc trưng như sản phẩm chế biến từ thanh long, chanh, khoai mỡ, dứa, lạc,…Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là Trung Quốc, nhưng luôn gặp khó, nhất là hàng nông sản như thanh long, chanh không hạt, lúa. Do đó, hội nghị mong muốn chia sẽ, thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp những kiến thức, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc, nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Công Thương – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chúc mừng tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế trong thời gian qua đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của tỉnh Long An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong việc sản xuất các loại nông thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thứ trưởng cho biết thêm, Trung Quốc là thị trường lớn và quan trọng đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam, tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước đây, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản nói riêng cần chủ động và có những định hướng cụ thể trong sản xuất để có thể xuất khẩu bền vững hơn trong thời gian tới.

Hội nghị có sự tham gia trình bày của Bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi về các quy định của thị trường Trung Quốc đối với nông thủy sản nhập khẩu, thông tin cập nhật và kiến nghị đối với địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An, bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở đã phát biểu về thực trạng, tồn tại, hạn chế trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của tỉnh Long An đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm giúp hàng nông sản của tỉnh Long An nói riêng và của cả nước nói chung thâm nhập thị trường Trung Quốc tốt hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, Hội nghị còn có sự giao lưu theo hình thức trực tuyến với các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhằm cung cấp thêm các thông tin, giải đáp thắc mắc của các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp các tỉnh phía Nam trong quá trình xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc./.
Nguồn: P.QLTM – SCT