• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hết thời trái cây 'đội lốt' xuất xứ

Hết thời trái cây 'đội lốt' xuất xứ

(Cập nhật: 08/01/2020)

Nhằm tránh mua phải hàng gian, hàng “mượn nhờ” nguồn gốc các nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng, ban quản lý một số chợ tại TPHCM buộc tiểu thương phải ghi rõ xuất xứ, cắm “chứng minh thư” vào từng mặt hàng trái cây ngoại.

Khuya ngày 7/1, Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TPHCM đã tổ chức đoàn khảo sát công tác đảm bào ATTP tết 2020 tại chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức – chợ nông sản lớn nhất tại TPHCM, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP nhấn mạnh, tiểu thương chợ đầu mối rất quan trọng vì họ là người phân phối sản phẩm cho các tiểu thương khác. Do vậy, việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, sổ sách, chứng từ rất quan trọng, để nếu xảy ra sự số có thể truy ngược lại, tìm ra khâu sai phạm để truy trách nhiệm

“Xuất xứ của trái cây nhập khẩu rất cần thiết, nhằm phòng chống hành vi gian lận thương mại, của Trung Quốc mà khai sinh của Việt Nam rất nguy hiểm. Chưa kể vấn đề  nhập tiểu ngạch, sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng" - bà Phong Lan nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Tổng giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về chợ trung bình 3.500 tấn/ngày. BQL chợ thường xuyên kiểm tra hồ sơ chứng từ, tập huấn về ATTP cho tiểu thương. “Nhằm tránh hàng gian, hàng giả, chúng tôi yêu cầu thương nhân ghi bảng xuất xứ từng loại trái cây nhập khẩu, rồi cắm lên ô trái cây để người mua không bị lầm. Ngoài ra sản phẩm còn phải có nhãn phụ trên sản phẩm” – ông Nhu nói.

Liên quan đến vấn đề ATTP, đại diện BQL chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, đang gặp phải một nguy cơ mới từ thực phẩm. Nếu như trước đây, tiểu thương còn dùng chất cấm để tẩm ướp thực phẩm tươi ngon thì nay, họ không dùng cách này nữa mà sử dụng hóa chất cho phép nhưng dùng với nồng độ cao để tẩm ướp thực phẩm.

“Đây thực sự là điều làm đau đầu BQL chợ, chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhanh và đem về kiểm nghiệm. Tuy nhiên không phải mẫu nào mình cũng lấy mẫu hết được” – lãnh đạo chợ chia sẻ.

Còn tại chợ Thủ Đức (Q.Thủ Đức), đoàn đã khảo sát qua nhiều gian hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau củ, trái cây...

Tiểu thương ngành hàng mắm đều biết cách giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm như dùng nilon, hộp nhựa có nắp để đậy mắm kỹ lưỡng, không để côn trùng, ruồi nhặng “đi lạc” vào âu mắm.

Tuy nhiên, bà Phong Lan phát hiện một số sản phẩm tại chợ không ghi cơ sở sản xuất trên bao bì. Tiểu thương cho biết lấy hàng từ người bỏ mối, chỉ có số điện thoại của người giao hàng chứ không có giấy tờ, hóa đơn gì khi mua hàng.

Trưởng BQL ATTP TP Phạm Khánh Phong Lan cho biết, các trường hợp phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, không chứng minh được xuất xứ sẽ bị tiêu hủy ngay tại chỗ. .

"Ban luôn xử lý đúng theo luật và ngay 1 Nghị định 115, các mức xử phạt cũng đã tăng rất cao như với cùng hành vi tự công bố, nếu tự công bố mà sau đó không làm đúng, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng, lên cả chục triệu đồng.Với những hộ nhiều lần vi phạm ATTP, chúng tôi có thể đề nghị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, ban cũng công khai những đơn vị vi phạm lên phương tiện thông tin truyền thống để người tiêu dùng có sự lựa chọn" - bà Phong Lan nói.

Kiệu huế bán tết đầy chợ đầu mối, giá từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Nguồn: Báo Tiền phong