• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hàng giả, hàng nhái – Mối quan tâm của toàn xã hội
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Hàng giả, hàng nhái – Mối quan tâm của toàn xã hội

(Cập nhật: 09/04/2019)

Gian lận thương mại nói chung và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nói riêng có chiều hướng gia tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đối tượng của hoạt động kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đa dạng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường nội địa có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu hoặc được sản xuất trong nước. Vì vậy, cách thức và biện pháp để tổ chức kiểm tra, xử lý đối với mỗi loại hình cũng có những đặc thù riêng. Song song đó, công tác tuyên truyền pháp luật cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng để người tiêu dùng nhận thấy được tác hại của hàng giả, hàng nhái, từ đó chủ động tố giác các đối tượng vi phạm nhằm xã hội hóa công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Hàng giả, hàng nhái tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội. Ngoài ra, việc mua bán và sử dụng hàng giả, hàng nhái làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, nhất là các sản phẩm như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả. Hàng giả, hàng nhái làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín của doanh nghiệp, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khoản 3, Điều 1, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm: (1) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; (2) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (3) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (4) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (5) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; (6) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; (7) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; (8) Tem, nhãn, bao bì giả.

Hình thức xử phạt vi phạm: Đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các loại giấy tờ liên quan, buộc tiêu hủy hoặc loại bỏ, thu hồi yếu tố vi phạm trên hàng hóa…, ngoài ra, còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Thực trạng về hàng giả, hàng nhái khó có thể ngăn chặn trong “một sớm, một chiều” mà cần có sự phối hợp của toàn xã hội. Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng hóa, sản phẩm phải yêu cầu người bán cung cấp các thông tin liên quan đến nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm và đặc biệt là phải có hóa đơn chứng từ, phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, không vì ham giá rẻ mà mua những sản phẩm giả kém chất lượng. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, có thể liên hệ với nhà sản xuất, Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan nhá nước có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Về phía doanh nghiệp, cần có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình; cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về mặt hàng do công ty sản xuất, các dấu hiệu đặc trưng để người mua dễ dàng phâ biệt, nhận biết sản phẩm; phối hợp với các lực lượng chức năng, với cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu của mình. Về phía cơ sở bán lẻ, nên lựa chọn những đơn vị sản xuất, cung cấp hàng hóa có uy tín, quen biết và có đăng ký kinh doanh hợp pháp để nhập hàng; xem xét kỹ các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa…; làm rõ trách nhiệm với đơn vị sản xuất, cung cấp hàng hóa về tính pháp lý của hàng hóa trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng, không nhập nguồn hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Tóm lại, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng ai mà là của toàn xã hội; mỗi tổ chức, cá nhân phải có ý thức phối hợp với các cơ quan chức năng nêu cao tinh thần chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống và ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và trật tự an toàn xã hội./.

Nguồn: TT Sở – SCT