• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đánh giá công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bến Tre về hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp sau Covid-19
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu – GĐ Sở Công Thương phát biểu tại Hội nghị ngành Ngân hàng năm 2022- Nguồn: P.KHTC

Đánh giá công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bến Tre về hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp sau Covid-19

(Cập nhật: 07/01/2022)
Ngày 05/10/2021, Sở Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre đã ký kết Quy chế phối hợp “Quản lý, điều hành việc cung ứng vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển lĩnh vực công thương”. Quy chế phối hợp nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của vốn tín dụng ngân hàng trong việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh Bến Tre. 

Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN), đến việc làm của người lao động, các công trình xây dựng cũng bị chậm tiến độ, giá nguyên vật liệu, vật tư, cước phí vận chuyển tăng cao, công tác kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các CCN, các dự án ngành công nghiệp chủ lực cũng bị ảnh hưởng rất lớn,….Tuy nhiên, ngành công thương cũng đã đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp, đạt được một số kết quả:

Thứ nhất, về hoạt động sản xuất công nghiệp –tiểu thủ công nghiệp: Ngành Công thương chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, các DN gặp nhiều khó khăn khi thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các DN hoạt động trở lại và từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước đã được khôi phục, khoảng 96% DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới; 100% DN trong các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2021 ước thực hiện đạt 35.400 tỷ đồng (Giá SS 2010), tăng 5,36% so cùng kỳ. Trong năm đã phát triển mới khoảng 53 DN, 78 cơ sở đăng ký phát triển mới với tổng vốn đăng ký 2.223 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 3.620 lao động.

Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn phát triển các CCN trên địa bàn quản lý. Đến nay, có 10 CCN được thành lập, với tổng diện tích 347,3 ha, có 04 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 24 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.655 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.663 lao động, trong đó có 13/24 dự án đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt khoảng 950 tỷ đồng, chiếm 2,68% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Năm 2021, tỉnh cũng đã bố trí trên 94 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng CCN Long Phước giai đoạn 2 phục vụ kêu gọi đầu tư; thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN Tân Thành Bình.

Thứ hai, hoạt động Xuất khẩu: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 130 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh đã vươn tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hoạt động của các DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng bị ảnh hưởng rất nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Hiện nay, các DN đang dần trở về trạng thái bình thường mới, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh. Kim ngạch xuất năm 2021 ước đạt 1.248 triệu USD, giảm 10,69% so cùng kỳ. Mặc dù kim ngạch XK không đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt được một số kết quả nổi bật: mặt hàng xuất khẩu được đa dạng, thị trường xuất khẩu ổn định và giữ vững. Riêng hàng nông sản, trái dừa tươi đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.

Thứ ba, lĩnh vực năng lượng: Tỉnh luôn tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải; kịp thời khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, gắn với bảo đảm môi trường. Trong năm 2021, các chủ đầu tư các dự án điện gió đã có nhiều cố gắng và nỗ lực trong việc triển khai các dự án để có thể đưa các dự án vào vận hành theo như tiến độ đã được phê duyệt. Kết quả: có 19 dự án điện gió được bổ sung quy hoạch đã triển khai các thủ tục để thực hiện, trong đó 11/19 dự án đã triển khai trên thực địa và bắt đầu lắp đặt tuabin 08/19 dự án. Đến nay, có tổng cộng 220 MW điện gió đã được lắp đặt hoàn thành. Tuy nhiên, do cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg hết hiệu lực kể từ ngày 31/10/2021 nên chỉ có 93,05 MW vận hành kịp thời gian trên, các dự án còn lại phải chờ đến khi có quy định mới, khi đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới tiến hành thỏa thuận lại việc mua bán điện và dự án mới có thể vận hành hòa lưới.

Song song với những kết quả trên, việc hỗ trợ, cung ứng vốn từ các ngân hàng đã đóng góp vai trò quan trọng để các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực công thương triển khai có khả thi và thuận lợi hơn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, càng thấy hết ý nghĩa sự hỗ trợ của vốn ngân hàng trong việc hỗ trợ, “tiếp sức” để các DN có thể trụ vững và hoạt động ổn định trở lại. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre: năm 2021 ngành Ngân hàng đã hỗ trợ 1.235 lượt DN với tổng dư nợ là 9.343 tỷ đồng thông qua các hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất. Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn giảm cho DN là 23 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh với doanh số lũy kế đến nay đạt 19.605 tỷ đồng cho khoảng 4.441 lượt doanh nghiệp.​

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai ngành, Sở Công Thương sẽ: Tiếp tục phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời cho NHNN tỉnh về việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực công thương như: triển khai các dự án điện gió, điện khí, phát triển các CCN, ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, dự án nhà máy sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, các hoạt động xúc tiến thương mại,… để Ngân hàng Nhà nước tỉnh có đủ thông tin, định hướng đầu tư tín dụng cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách phù hợp, chủ động, hiệu quả, đúng định hướng phát triển của tỉnh.

Cũng như phối hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, dịch vụ ngân hàng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng thuộc ngành công thương; Hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong công tác truyền thông các chủ trương, cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đề nghị thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tỉnh tập trung chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quan tâm hỗ trợ: DN sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, các dự án điện gió, Khu công nghiệp Phú Thuận, các cụm công nghiệp, hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu tập trung …; qua đó góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.

 
Nguồn: P.KHTCTH – SCT

Tin cùng loại